Tham nhũng được khẳng định ngày càng tăng về mức độ và thiệt hại song, số tài sản thu hồi ít, người vi phạm chủ yếu xử lý hành chính. Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp đột phá để thay đổi thực trạng tồn tại nhiều năm qua.
>Tranh luận về 3 'mô hình' Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng/ 'Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn'
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 9 người đã xử lý hình sự, 31 người bị kỷ luật.
Qua thanh tra phát hiện sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 6.480 tỷ đồng, trên 1.290 ha đất nhưng mới thu hồi được hơn 140 tỷ đồng...
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, đến đầu tháng 9, công an đã phát hiện hơn 800 vụ với trên 1.700 người vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng hơn gấp đôi cả về số vụ và số đối tượng so với cùng kỳ năm 2011). Số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khởi tố mới 222 vụ, 470 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm gần 170 vụ, 340 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm hơn 44% (năm 2011 tỷ lệ này là 31,7% )....
Ông Trần Đức Lượng: "Việc chứng minh yếu tố vụ lợi, ví dụ như trong mua sắm tài sản đã qua sử dụng, đặc biệt là mua tài sản, thiết bị từ nước ngoài là rất khó khăn". Ảnh: N.Hưng. |
Công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng tuy được ngành thanh tra cho là đạt được kết quả tích cực, song tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại; đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội. Số lượng vụ án, vụ việc về tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra.
Là cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét, cũng như các năm trước, năm 2012, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít, tiến độ chậm.
Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý năm 2012 tăng nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo.
"Thực trạng xử lý không đúng pháp luật đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng", ông Hiện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi về sự chênh lệch lớn giữa con số sai phạm và thu hồi: "Sai phạm và kiến nghị thu hồi lên tới gần 6.500 tỷ đồng nhưng tại sao chỉ thu về được 141 tỷ đồng, chỉ bằng 1/46?". Cùng chung thắc mắc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chất vấn, phải chăng ở đây có thực trạng biến vụ tham nhũng lớn thành bé, tôi nặng thành tội nhẹ...
Lý giải về điều này, Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho hay, đặc điểm năm 2012 khác các năm trước đó. "Năm 2012, khả năng hoàn trả của chủ sở hữu rất khó. Ví dụ liên quan tới sai phạm ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinalines), tổng sai phạm gần 500 tỷ đồng nhưng rất khó thu hồi; hay các doanh nghiệp góp vốn cho đầu tư bất động sản, chứng khoán, góp vào mất luôn nên không có để hoàn trả.
"Việc chứng minh yếu tố vụ lợi, ví dụ như trong mua sắm tài sản đã qua sử dụng, đặc biệt là mua tài sản, thiết bị từ nước ngoài là rất khó khăn. Dù cảm nhận của thanh tra, kiểm toán, người dân là có", ông Lượng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, báo cáo của Chính phủ vẫn giống các năm trước, không rút ra được vấn đề đặc trưng và có giải pháp đột phá. Ảnh: N.Hưng. |
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại "có cảm giác" báo cáo của Chính phủ giống năm trước mà không rút ra vấn đề đặc trưng, vấn đề gì tồn tại. "Kiến nghị nhiều, thu hồi ít. Năm trước nêu ra, năm nay lại nêu lên, lại đặt câu hỏi, không ai trả lời, không ai có biện pháp thì năm sau lại lặp lại, không biến chuyển", ông Lý nhận xét.
Ông đề nghị cần nhận diện được thực tế tham nhũng ở nước ta ở những dạng nào và chọn ra giải pháp đột phá.
Cùng chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nếu công tác phòng, chống tham nhũng vẫn cứ đặt ra phương hướng, nhiệm vụ chung chung mà không đi sâu vào một nhiệm vụ cụ thể thì không thể hiệu quả.
Liên quan tới việc đánh giá người dân "đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng" trong báo cáo của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần xem lại. "Đánh đồng người dân tiếp tay, đánh giá như thế rất nặng nề cho dân. Vì các ông ăn nên phải đút lót. Đấy không phải khuyết điểm của người dân, không nên đổ lỗi cho người dân", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Thanh tra Chính phủ, đã có 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 19 địa phương hoàn thành 100% kê khai tài sản, thu nhập năm 2011. Hai trường hợp được kết luận kê khai không trung thực và một người đã bị kỷ luật. Cũng trong năm 2012, 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền hơn 360 triệu đồng. Việc kê khai được Thanh tra Chính phủ nhìn nhận còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Việc nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, do bản báo cáo mới tổng hợp số liệu đến tháng 8 nên chưa đầy đủ, Thanh tra Chính phủ sẽ bổ sung để trình Quốc trong kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
|
Nguyễn Hưng
-------------------
-
Dân trí, Thứ Tư, 19/09/2012 - 18:20
Tham nhũng lĩnh vực ngân hàng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng
(Dân trí) - Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đang tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục là một cảnh báo được UB Tư pháp đưa ra trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 tại UB Thường vụ QH chiều 18/9.
UB Tư pháp là cơ quan thẩm tra báo cáo thường niên này do Thanh tra Chính phủ chuẩn bị. Đánh giá chung, UB Tư pháp cho rằng, việc phát hiện tham nhũng và kiến nghị xử lý về hình sự thông qua công tác thanh tra tuy có tăng về số vụ nhưng lại giảm về số đối tượng. Công tác kiểm toán trong năm qua không chuyển vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Hàng năm, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị sau kết luận của thanh tra, kiểm toán chưa nghiêm.
Báo cáo phòng chống tham nhũng được UB Thường vụ cho ý kiến trước khi trình QH kỳ họp tới.
“Có không ít trường hợp bỏ lọt tội phạm qua việc xử lý hành chính, kỷ luật” - Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Hiện dẫn ví dụ thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm liền không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra, nhưng khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh kiểm tra, theo dõi các kết luận thanh tra đã kiến nghị chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý.Ông Hiện nêu ý kiến đề nghị cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra đã khảo sát, chỉ ra, mặc dù biên chế được bổ sung, tổ chức, trang thiết bị, cơ sở, vật chất được kiện toàn và tăng cường, nhưng nhìn chung hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng còn thấp, chưa phúc đáp được yêu cầu nhiệm vụ. Số vụ việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn thấp. Đa số các vụ án tham nhũng điều tra còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, phải đình chỉ vụ án hoặc chuyển thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn.
Báo cáo thẩm tra nêu ví dụ vụ Đoàn Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV chuyển từ tội danh “nhận hối lộ” sang tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Việc một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng như vụ cố ý làm trái tại Vinashin, Vinalines... theo cơ quan thẩm tra đã đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao. Có nơi áp dụng điều 47 của Bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%.
Đánh giá về việc quy trách nhiệm phòng chống tham nhũng với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, UB Tư pháp cho rằng, bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề. Không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nhưng vẫn thiếu cơ chế thực hiện. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nghiêm chỉnh thực hiện việc xem xét để kết luận rõ ràng, minh bạch, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống, năng lực yếu kém hoặc có dự luận về tiêu cực, tham nhũng. Vẫn chưa hình thành “văn hóa” cũng như cơ chế pháp luật về từ chức; còn thiếu quy định cụ thể về miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra nhiều tham nhũng; một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn né tránh, nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Một giải pháp phòng tham nhũng khác là cải cách thủ tục hành chính thì cơ quan thẩm tra cũng cho rằng nhiều nơi làm còn hình thức. Vẫn còn không ít yêu cầu bất hợp lý đối với người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức khác nhau. Một số cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu đòi hối lộ, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư trong thu hồi đất, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cán bộ; việc đánh giá, xử lý cán bộ tại một số nơi còn nể nang, thiếu cương quyết....
UB Tư pháp kiến nghị việc cần đặc biệt quan tâm khắc phục là phải có quy định cụ thể để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức kèm theo đó là chính sách về tiền lương thỏa đáng chứ không chỉ chú trọng, quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chung chung.
P.Thảo
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét