Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Tản mạn về đàn ông Việt Nam - BBC, Tưởng Bình Minh, Hungary

-
Tản mạn về đàn ông Việt Nam

Tưởng Bình Minh, Hungary

BBC, 26 Tháng 10 2006 - Cập nhật 00h32 GMT

Nam giới vẫn giữ phần lớn các chức vụ cao cấp ở Việt Nam

20 tháng 10 hằng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam, - nếu diễn đạt theo ngôn ngữ ’đại hội, thành tích đặc trưng xã hội chủ nghĩa ’ - thì đây là dịp để các đấng mày râu xứ sở hình chữ S tôn vinh những người phụ nữ yêu quý của mình.

Song một cách chân thực, 20 tháng 10 chính là cơ hội thứ hai trong cả một năm trời để đàn ông nước Nam quan tâm đến mẹ, vợ, người yêu hay em gái nhiều hơn các ngày bình thường. Mua quà biếu mẹ, rửa bát cho vợ, tặng hoa cho bạn gái. … là những hành động cụ thể mà ta thường thấy từ những bậc tu mi nam tử.

Nhưng nếu thử nghĩ sâu hơn một chút, thì có thể thấy rằng đàn ông nước Nam mình thật sự chưa làm được gì to tát cho những con cháu tóc đen da vàng của bà Trưng, bà Triệu ngày xưa.

Phụ nữ Việt nghĩ gì về đàn ông nước Nam ?

Có một câu hỏi mà nhiều người Việt luôn băn khoăn, rằng : Tại sao Việt Nam còn nghèo? Kẻ nói tại chiến tranh. Người kêu do cấm vận. Kẻ lại chỉ trích chính sách của những người cầm quyền gặp nhiều sai lầm. Riêng phụ nữ Việt Nam nghĩ gì?

Nhà văn hải ngoại Lê Thị Huệ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã khiến cho một số gã đàn ông xứ Việt còn chưa đứt dân thần kinh xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu cho hết thẹn : ’’Để tôi thử làm một việc rất là đàn bà và rất là tào lao nhe.

''Tôi muốn nói điều này với những người đàn ông Việt Nam: Sao các anh để cho Việt Nam tồi tệ đến thế ? Sao các anh không làm điều như đàn ông người các nước đã làm được cho xứ sở họ?

''Họ biến quốc gia họ thành những đất nước hùng mạnh sang đẹp. Các anh là những người tạo thời cuộc, tạo lịch sử, tạo chiến tranh, tạo hoà bình. Các anh có cả một quốc gia trong tay. Họ làm được thì các anh cũng làm được !”

Những suy nghĩ về đàn ông Việt Nam thời nay của nhà văn trong nước Lê Minh Khuê nghe còn buồn bã hơn . Có vẻ như thực tế bao giờ cũng thường buồn bã :” Những người đàn ông thời nay đôi khi làm tôi thất vọng.

''Nhìn ra các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, những người đàn ông ở đấy rõ ràng là chèn lấn phụ nữ trong gia đình nhưng chính họ lại có ý thức rõ ràng về sức mạnh đất nước, về sự vẻ vang của dân tộc mình.

''Còn đàn ông ở ta, tôi rất ngạc nhiên về họ. Khi nhận xây một tòa nhà, một con đường... tại sao không nghĩ phải làm cho đẹp, cho tốt để sánh với tòa nhà hay con đường của đất nước nào đó mà chỉ nghĩ làm thế nào để bỏ túi được một nửa, chí ít là một phần ba. Hầu như ai cũng vậy, không ai có trách nhiệm, có lòng tốt, có ý thức làm cho đất nước mạnh lên, vẻ vang như người”.

Tại sao Việt Nam còn nghèo? Người viết bài này cho rằng, xét theo một phương diện khác, đất nước ta còn nghèo là chính bởi năng lực của đàn ông xứ Việt mình bình thường, đúng hơn là ở mức tầm tầm. Đàn ông xứ ta rất anh hùng, rất cao thượng, sống đẹp, chết đẹp chỉ trong một hoàn cảnh duy nhất : Khi có chiến tranh. Có lẽ trên thế giới ít có dân tộc nào lắm thiên tài quân sự hay anh hùng trên chiến trường như dân tộc Việt Nam ta. Và các cuộc chiến chẳng bao giờ đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia, ngoại trừ nước mắt của những người mẹ, người vợ Việt Nam.

Khi hết chiến tranh rồi, đàn ông nước Nam lại trở về với hình ảnh như bao đời.

Có phải hình ảnh bao đời ?


Trước hết, đàn ông nước ta kém sáng tạo. Tư tưởng, học thuật ở nước ta – nếu cứ tạm xem tồn tại – thì cũng ăn nhờ vào việc chép nhờ, nhai lại của Tàu, của Tây. Nếu các cụ xưa từng tự trói mình bằng bó buộc khắt khe Khổng, Mạnh;- thì con cháu các cụ ngày nay lại đang giam mình trong những nguyên tắc giáo điều, kham khổ Mác-Lê.

Những kẻ anh dũng nhất trong chiến tranh lại chính là những người trì trệ nhất trong suy nghĩ. Nhà văn Phạm Thị Hoài từng thốt lên :”Trí thức Việt Nam là những dương vật buồn thiu”. Thành thử trên chiến trường, đàn ông Việt Nam mình có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào; song họ lại khó chiến thắng được bản thân, khó thắng nổi những rêu phong, cổ hủ chính ngay trong đầu mình. Dù thuộc làu câu ’Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân’, song đàn ông Việt lại thiếu mạo hiểm, cốt mong sự bình yên, ổn định và thường thỏa mãn với thực tại hơn là tiến hành những đổi thay để hướng tới các mục đích lớn hơn.

Nếu đàn ông Nhật Bản mạnh về lý trí, thì đàn ông xứ ta lại thiên về tình cảm, cảm tính. Nhưng cảm tính lại thường kéo theo tính thiếu thực tế, khó đổi thay trong từng cá nhân và sự trì trệ về nhận thức của toàn xã hội. Vì thiếu thực tế nên đã có một thời, trong khi chị em phụ nữ Việt Nam đang loay hoay dưới bếp với nồi khoai, nồi sắn thì những người đàn ông của họ đang say sưa với giấc mơ quá độ đi lên XHCN, mặc cho lũ trẻ suy dinh dưỡng đang réo rắt đòi cơm ngay trước hiên nhà.

Và cũng từng có những người đàn ông nước Việt đã thao thao bất tuyệt về việc chống chủ nghĩa cá nhân, song cũng dưới bếp, các bà vợ đang nghiến răng cùng cây kéo để cắt xương gà, bởi nếu dùng thớt, e rằng hàng xóm biết được.

Nhiều người thường nói rằng người Việt Nam thông minh, sáng tạo cần cù. Nhưng nói đến sự cần cù của người Việt Nam mình, tôi thường liên tưởng tới những bác nông dân đang cần mẫn với chú trâu trên đồng ruộng.

Còn thông minh, sáng tạo? Tôi thường thấy các quản đốc ở những doanh nghiệp nước ngoài khen công nhân nước mình như thế. Có bao giờ chúng ta nghe nói các nhà khoa học Việt Nam thông minh, sáng tạo? Có bao giờ người ta nói 6 triệu công chức nhà nước ở ta cần cù mỗi ngày với 8 giờ vàng ngọc?

Lời kết

Nhiều người thường nói về một viễn tượng rồng hổ của nước ta. Từ góc độ văn hóa, con người; tôi thấy điều ấy là quá khó đối với dân Việt mình, mà cụ thể hơn là quá khó đối với đàn ông nước Nam này. Đàn ông Việt Nam lắm kẻ anh hùng trên chiến trường, lắm người thiên tài trong quân sự; song mấy chục năm nay, người ta chưa thấy đâu hình ảnh một nhà kỹ trị đặng đem lại tương lai thịnh vượng cho quốc gia.

Cho dù đàn ông nước mình thường tự hào về tài lý luận sắc sảo, uyên bác, thì tới khi nào chúng ta mới có những cá nhân đủ khả năng trên trường quốc tế, để đảm đương các chức vụ quan trọng cỡ Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch WTO như người Miến Điện, người Thái Lan đã từng, hoặc sắp tới là người Nam Hàn ? E rằng chỉ có thể hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó - thay vì ưu tư, than phiền của những Lê Thị Huệ, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài - phụ nữ Việt Nam có thể một lần tự hào về những đấng mày râu của mình.

------------------------------------------------------------------------------

Thu, New York
Bạn Đào Thị Thanh, Nha Trang vạch trần sự thật đa số của đàn ông VN thì bị mấy ông oai oái bất đồng ý kiến, nhất là bạn Vũ Lê, Hà Nội dùng những lời quá nặng nề. Tôi xin bạn đọc kỹ lại những tranh luận của ông Phát, Sài Gòn mà bớt đi cái tự ái nhé.

Đây là một câu chuyện về VN tháng 8 của tôi. Trên đường từ Vũng Tàu về Sài gòn tôi muốn mua vài thứ kẹo bánh làm quà. Người tài xế quảng cáo và ngừng lại Long Thành, nơi có vài tượng con bò trắng đốm đen rất lớn.

Vì vào ngày cuối tuần nên rất đông khách, tôi và con gái 9 tuổi của tôi xếp hàng để trả tiền, nhưng không bao giờ đến lượt vì một số người đàn ông tiếp tục chen vào ngay phía trước mặt chúng tôi, thế là những người sau tôi bắt đầu chen lên.

Con gái tôi (sinh tại Mỹ, tiếng Mỹ và tiếng Việt rất rành) bất bình nói : Bố sao mấy chú đó đến sau mà vào trước mình?

Tôi mất kiên nhẫn bước lên khiếu nại với người tính tiền, thì tôi nhận được một giọng đầy chua ngoa và giận của một người đàn ông: phàn nàn làm con mẹ gì, ông trả tiền thì tôi trả tiền, tôi có ăn cướp của họ đâu mà phàn nàn?

Tôi nói : Đây không phải là cướp bóc gì hết nhưng tôi muốn nói đến cái lịch sự tối thiểu của con người, chúng ta phải sống văn minh hơn để mà còn bắt kịp các nước lân bang chứ!

Tôi bỏ bánh kẹo lại, bước ra ngoài với con gái, sau lưng đám người đàn ông cười lớn tiếng, tôi còn nghe giọng một người đàn ông khác nói đuổi theo: Việt Kiều là tay sai của thằng Mỹ mà làm tàng! Buồn thật!

Một độc giả
Đọc lướt qua các bài viết ở đây, tôi thật buồn khi phải công nhận ai đó từng phát biểu "Người Việt Nam xấu xí" là đúng, hơn thế nữa với tư cách của thằng đàn ông, tôi vô cùng chột dạ khi đọc bài của bạn Tưởng Bình Minh về cái gọi là đàn ông Việt nam.

Tôi nhận xét thế này: đa số đàn ông Việt Nam chúng ta rất thích, hay tự nghĩ, mình là Siêu nhân. Thí dụ, đọc bài báo của Tây khen Việt Nam thì rất khoái, mơ sáng mai thức dậy thành Rồng, thành Cọp. Cái Siêu phát huy đến độ cái nhân tính cơ bản nhất của con người là sự đồng cảm cũng biến mất khi gặp những chuyện "khó." Mấy ai ở VN dám lên tiếng trước những vụ án oan sai, việc thanh niên Trương Quốc Huy "mất tích" sau vụ PalTalk...

Ngay chính bản thân tôi, khi ngồi ngoài này viết bài thỉnh thoảng vẫn phải coi trước ngó sau. Hy vọng cái t́nh Người của những Siêu nhân ở đây sớm trở lại.

Huỳnh N. Trung, Sài Gòn
Các bạn đừng có ca cẩm, đừng phản bác nữa, từ ngày mai chúng ta hãy làm công việc của mình thật tốt, sửa chữa những tật xấu, lịch sự ga lăng hơn với những người phụ nữ xung quanh. Tôi nghĩ bắt đầu đơn giản vậy thôi... Để họ biết đàn ông Việt như thế nào! :)

Phát, Sài Gòn
Gửi bạn Vu Le, Hanoi: Xin hỏi đàn ông VN "bảo vệ được đất nước này" ở chỗ nào khi VN và TQ điểm lại cột mốc biên giới đã để cho VN phải thất thoát nhiều km vuông vậy? Họ đã "anh dũng chiến đấu" ra sao khi hải quan Tàu ngang nhiên giết hại ngư dân VN trên vùng biển vốn thuộc về VN (nay thuộc về lãnh hải của TQ)? Còn Hoàng Sa, Trường Sa thì sao khi TQ ngang nhiên thăm dò khai thác dầu khí? Ải Nam Quan, Thác Bản Dốc vốn là thuộc về VN, nay lại nằm sau cột mốc biên giới của TQ, xin hỏi đàn ông VN đã "chiến đâu oai hùng" ra sao, thưa bạn? Tôi cũng là đàn ông VN và tôi thấy nhục, chẳng lẽ bạn không phải?

PL
Đọc thấy chạnh lòng quá. hic hic. "Kẻ đứng đầu thiên hạ mà không biết tới sự vô vi thì đất nước sẽ chẳng bao giờ cường thịnh được"

Hoang Thi
Thưa bà con chú bác, người VN hiện nay có hai khối thành phần Trí thức. Chứ đâu phải ít?

Thành phần thứ nhất, là khối trí thức XHCN, với khối trí thức này về số lượng thì rất đông, phần lớn được đào tạo các trường ĐH trong nước, một số còn lại được đào tạo bậc ĐH tại các nước Đông âu và Liên xô cũ, và hầu hết trong số họ chỉ thuộc làu về mặt lý luận kinh tế, chính trị Marx-Lenin mà thôi, và thiếu vắng về mặt trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học kỹ thuật để đi sâu vào nghiên cứu.

Cho nên, không có một công trình nào được chế tạo, sáng chế hoặc phát minh có giá trị cho Xã hội VN và cho thế giới.

Thành phần thứ hai, là khối tri thức không CS (tạm gọi là trí thức TB). Hiện nay, đa số khối trí thức không CS này đang sống rải rác trong các nước có nền kỹ nghệ tiên tiến, chỉ một số ít đang sinh sống trong nước nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Với khối thành phần trí thức này thì đủ mọi giới, từ Kỹ sư, Bác sỹ, Giáo sư, Luật sư, Kinh tế gia, Khoa học gia, phi hành gia, hầu hết thành phần này được đào tạo trong các trường ĐH thuộc khối các nước G7, với khả năng chuyên môn rất cao và rất dồi dào để làm một cuộc cách mạng phát triển khoa học kỹ thuật cho nước nhà. Nhưng rất tiếc là hai khối trí thức CS và không CS này không bao giờ chịu ngồi chung lại với nhau để phát triển đất nước (Nghĩa là, nước sông không thể nào hòa hợp với nước giếng).

Đàn ông VN nói chung và hai khối Trí thức VN nói riêng cùng chung số phận là giống như cái “ấy” buồn thĩu buồn thiu không biết đến bao giờ, và không biết có thầy thuốc nào tài giỏi để chữa căn bệnh này đây?.

Vu Le, Hà nội
Bằng chứng rõ nhất để đánh giá đàn ông việt nam mạnh hay yếu là họ vẫn bảo vệ được đất nước này mặc dù không ít "thế lực" muốn nhăm nhe, thôn tính hoặc bắt đất nước này đi theo con đường của họ nhưng đều thất bại.

Còn những người phụ nữ việt nam chê bai đàn ông việt nam thì họ phải hiểu rằng, chắc là mẹ họ không ngủ với con trâu, con bò để đẻ ra chính bản thân họ để họ bây gìơ đưa ra những nhận xét về 1 phần cơ thể của chính họ. Rất mong BBC đăng ý kiến này của tôi.

TN
Rõ khổ, tôi là cánh đàn ông đây, "vai năm thước rộng thân mười thước cao" mà chẳng làm gì nên hồn, để đất nước nghìn năm văn hiến tụt hậu, thua kém người ta, nghĩ lại thật là xấu hổ cho đấng nam nhi. Thôi thì lỗi tại tôi mọi đàng vậy! Ngày xưa chúng tôi có lắm anh hùng hào kiệt nay chẳng thấy ai mặt mũi đẹp trai, ngon lành, đa số "cà chớn", nhưng mà...nhưng mà... cánh phụ nữ bây giờ cũng đâu có mấy ai ngon lành như hai chị em Bà Trưng, Bà Triệu ngày xưa đâu... Chuyện nước non thì ai cũng phải gánh vác, chia xẻ mới công bằng chứ lị.

Giấu tên
Độc giả Mai Trang nói về phía VN, tôi xin nói thêm về phía các quốc gia Tây phương trong việc giáo dục. Thử hỏi tại Mỹ, có bao nhiêu sinh viên hàng năm vào học các trường chuyên đào tạo khoa học gia cho tương lai như MIT, Caltech, đã từng quan tâm, "luyện thi", tham gia vào các kỳ thi Olympics khoa học quốc tế? Không phải họ khinh thường, chẳng qua là ai có chút trí tư duy khoa học đều phải nhận thấy sự còi cụt của các "kỳ thi" loại này.

Một nhà toán học không cần phải biết cách giải toán mau lẹ, chính xác; và một nhà vật lý, hóa học, lập trình vi tính cũng vậy. Đó là vì, thế giới ngày nay không cần "lanh trí", "khéo léo", mà cần sự điềm tĩnh, suy nghĩ thâm sâu, để rồi tìm tòi, phát minh những điều chưa ai nghĩ ra hoặc làm được.

Ở các kỳ thi "Olympics" khoa học, các khoa học gia cho tương lai không hoặc ít có dịp tỏ ra cái thiên tài của họ. Làm toán "rụp rụp" kiểu VN thì có gì hay, trong THỰC TẾ đã có máy vi tính làm cả rồi. Đoạt giải này giải nọ thì tốt, nhưng quan trọng nó quá đáng là xấu, là chưa nhìn vấn đề thông suốt, chưa kể sẽ gây nhiều tai hại do không đánh giá đúng mức cái thua sút nhiều mặt khác của mình, cái mạnh không phô trương của người khác.

Cái tầm nhìn của người VN, nam giới VN, chỉ có vậy. Phải lấy cái bằng, cái huy chương, cái danh, không cần biết nó có giá trị thực sự gì không sau buổi lễ trao bằng, sau khi leo lên bục nhận huy chương. Đội banh VN cũng vậy, mời các đội hạng bét của các quốc gia có trình độ bóng đá hạng bét qua đá, cho trọng tài người Lào, Việt thổi thiên vị đội nhà, để giật Cúp (đúng nghĩa là giật), rồi tự vỗ tay hoan hô minh hay. Các "bệnh sĩ diện" của nam giới VN thật hết thuốc chữa, vì đi đâu cũng gặp.

Mai Trang, Hà Nội
Một số bạn tự hào về VN đạt giải cao các kỳ thi Olympic quốc tế thân mến: Đó cũng là bệnh thành tích của nền giáo dục VN đấy, ở chỗ: Tại VN mỗi trường mỗi cấp đều có đội tuyển được các thấy cô chuyên trách luyện đi đấu đá cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia rồi sau đó là cấp quốc tế. HS của VN "giỏi" là do chăm học, do làm đi làm lại các bài toán mẫu nhiều thành quen, thành phản xạ.

Cái mà nền giáo dục cần đạt được là những con người sáng tạo thì VN chưa làm được. Tôi không phủ nhận tuyệt đối nhưng số người tài ở VN quả là tìm mãi không thấy.

Bao năm đoạt giải cao QT nhưng có bằng sáng chế nào ra hồn đâu? các bạn chỉ tôi xem? Một đất nước chủ yếu là nông nghiệp nhưng người nông dân vẫn canh tác không khác xưa là mấy. Không những thế họ còn bị các quan, các nhà khoa học "tài năng" cho phát triển cây ,con, củ ,quả... đến sạt nghiệp và phải mang nợ các ngân hàng như trương trình nuôi bò sữa, Cà phê vối...

Quả là nền giáo dục chỉ "hồng" thôi chứ không chuyên. SV các trường ĐH đã mất dứt 30 - 40 đơn vị học trình để học mấy cái môn Triết học, kinh tế chính trị học Mác-Lê... (bằng bốn tháng học liên tục) thì còn thời gian đâu mà cho học chuyên môn?

Giấu tên
Tôi đọc bài này với tinh thần cầu tiến rất cao! Cám ơn các chị phụ nữ đã "lên lớp" đàn ông chúng tôi! Xin hứa sẽ xem xét lại! Nếu cái gì bị chê thì sửa ngay, cái gì được khen là sẽ phát huy! Cảm ơn BBC có một bài hay!

Lê Tân
Đúng là đàn ông VN cũng có nhiều khuyết điểm cũng như mọi đàn ông của các quốc gia khác mà thôi. Như tôi đây sinh ra thì ngừời còm còm, nhẹ nhẹ nhưng cũng làm bao chuyện to tát trong nhà, vô lớp học cũng học gần hết chữ của chế độ còn tranh thủ đọc thêm bất cứ sách nào của nước ngòai mà mình may mắn vớ được. Tôi đã sống hết mình ( âu phải ai cũng có điều kiện ra nước ngòai tìm đường cứu nước như 'bác' đâu), làm việc hết mình để chăm lo cho mẹ già, yêu thương đứa em gái.

Một tiếng nói
Bạn Trang ở Hà nội và Fantome ở Paris đều đúng cả, theo cách nhìn riêng của hai bạn. Học thức quan trọng vậy đấy, khi ảnh hưởng đến cái nhìn toàn diện của một con người trong cùng sự việc.

Cái ly nửa đầy hay nửa trống là tùy cái nhìn của mọi người. Bạn Trang nói nó nửa đầy, vì vậy vô cùng tự hào. Bạn Fantome nói nó trống rổng, quá ít, quá thiếu, là do bạn có sự trông đợi cao hơn, xa hơn.

Đàn ông VN thường nhìn thấy cái ly kiến thức, tài chánh của họ hơi có chút gì trong đó là đủ tự hào. Nhiều thanh niên có được chiếc xe gắn máy @, Dylan gì đó, vậy mà đã vô cùng tự hào, chạy đua rầm trời quanh thành phố.

Có người bỏ cả gia tài vô cái điện thoại di động, rồi đi đâu cũng bấm bấm, vừa nhìn xung quanh coi có ai để ý không. Theo cách nói của người Anh, Mỹ, có hiện tượng gọi là "blissful in their ignorance" để chỉ những người quá hạnh phúc, tự hào trong sự thiếu hiểu biết của họ. Đáng tiếc, loại người này tại Hà nội rất nhiều, một số nắm các chức vụ cao cấp trong chính phủ, ngay cả tại các trường đại học quốc gia.

Người ta không có sự hiểu biết tối thiểu để hiểu con rô-bô của VN chỉ là một con rối bằng điện do NGƯỜI điều khiển 100%, đi thi đấu với các con rô-bô thứ thiệt có sự tự động cao. Đừng nói của học sinh, ngay cả Ashimo của Honda mà gặp con rối do học sinh VN điều khiển lại ủi cho một cái là đủ té lăn cù, cháy máy, "chết" luôn tại chỗ. Còn các kỳ thi "quốc tế" các môn toán, vật lý, v.v... thì ở VN là chuyện "quốc gia đại sự", chứ tại các nước khác hoàn toàn là chuyện chẳng ai quan tâm. Lý do là vì người ta không quan tâm đến điều mọi người đã biết rồi, vì trong cuộc thi vài tiếng đâu thể có phát minh gì mới, nói gì quan trọng?

Cái tầm nhìn của thanh niên, đàn ông VN đã quá khác với bạn đồng lứa họ ở các nước thịnh vượng, vì vậy sự trông đợi, đầu tư, thành quả của họ cũng quá khác biệt.

Nhiều người có lối nói "ai nói chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ", thì thôi, cãi lại làm gì, vì rõ ràng miễn họ thấy sướng, tức là họ sướng, trong khi biết bao người Tây phương đi xe giá bằng cả chục ngàn con trâu, có thấy sướng đâu? Đến khi bị dịch, trâu chết, thì sẽ là chuyện khác.

Giấu tên
Gởi bạn Trang, Hà nội. Tôi cho rằng, những giải của học sinh Việt trong những cuộc thi đua quốc tế tuy là tốt, nhưng đây chỉ là trò chơi tuổi trẻ, học sinh, không phản gì đối nền giáo dục, và nền kỹ nghệ của việt nam hiện nay.

Vì nền giáo dục, kinh tế và kỹ thuật của Việt Nam vẫn đứng hạng thấp nhất trên thế giới. Đây là hậu quả của đảng độc tài với một nhóm lãnh đạo vô tài, vô đức chứ không phải dư âm chiến tranh gì hết. Những nước khác trên thế giới họ chỉ cần 10-20 năm là họ đã tiến lên hàng đầu. Nhóm thanh niên trai trẻ hiện nay vì ảnh hưởng giáo dục của Đảng đã trở nên thụ động, nhút nhát, ít chịu đi tìm hiểu, học hỏi.

Trang, Hà Nội
Thưa bạn Fantome, Paris tôi có thể đưa ra dẫn chứng về sự so sánh giữa đàn ông Việt và đàn ông nước ngoài cho thấy: Trong rất nhiều kỳ thi Toán, Robocom,Hoá học, Vật lý... Quốc tế người Việt mà cụ thể là các ban trai trẻ Việt đã đánh bại hàng trăm bạn nước ngoài( tất nhiên là có rất nhiều bạn trai) để giành được ngôi vị đứng đầu.

Tất nhiên 1 vài con én không làm nên mùa xuân nhưng đó có thể là dấu hiệu bước đầu chứng minh đàn ông Việt không kém cỏi. Người Việt nghèo vì dư âm cuộc chiến tranh, vì chưa tìm ra hướng đi phù hợp chứ người Việt không kém.

Ta Đi Tới, Sài Gòn
Sao các bác cứ "chê banh chê bẻ" đàn ông Việt Nam thế?. Như em đây chả dám đao to búa lớn, ước mơ cao sang gì, nuôi một "gấu mẹ" và hai gấu con cứ gọi là tuyệt, "gấu mẹ vĩ đại" nhà em chỉ có mỗi việc ở nhà nấu cơm, đón con đi học và luôn nở nụ cười tươi dói mỗi khi em đi làm về. Chả thấy than phiền điều gì về người đàn ông của mình.

Song Hat, USA
Sự khác biệt giữa đàn ông Việt Nam và đàn ông thế giới phải chăng một phần là do phụ nữ Việt Nam? Người phụ nữ Việt Nam cam phận "lặn lội thân cò nơi quãng vắng, eo sèo mặt nước buổi đò đông" để cán đáng kinh tế gia đình.

Có biết bao áng văn chương ca ngợi sự tảo tần, hy sinh thầm lặng của người phụ nữ VN; nhưng có khi nào, chính sự can đảm, tận tụy này gây ra phản tác dụng không? Vì có những người mẹ, người vợ làm bến đỗ bình yên, người đàn ông Việt Nam đâm ra yếu đuối và ỷ lại. Chính sự cam chịu của người phụ nữ Việt Nam khiến cho đàn ông Việt Nam trở thành người chủ trong gia đình một cách quá dễ dàng, và rụt rè trước những tân toan của xã hội. Tôi không có ý muốn phá bỏ những đức tính đáng mến của người phụ nữ Việt. Nhưng tôi muốn đặt ra vấn đề rằng người phụ nữ Việt Nam phải đóng vai trò như thế nào trong gia đình để thúc đẩy sự thành đạt của đàn ông Việt?

Fantome, Paris
Khổ quá, kém thì cứ nhận kém đi, sĩ diện với ai đây? Chỉ phục mấy ông tự hào về thành tựu "to lớn" đạt được mà vẫn trơ mặt xin viện trợ người ta. Nên chăng chúng ta bắt đầu so sánh đàn ông Việt với đàn ông Tây, xem ai giỏi hơn?

Giấu tên
Đây có thể gọi là bài nối dài của đề tài "Người Việt xấu xí" bàn cãi trước đây trên diễn đàn này, vi đàn ông VN nắm ít ra 80% quyền lực trong nước nên VN có hưng vong, nhục nhã thế nào thì đàn ông VN phải chịu trách nhiệm ít nhất 80%.

Các chế độ trước đây, hiện nay, và ngay cả các phe phái "Dân Chủ" trong và ngoài nước đều giống nhau một điểm: toàn do đàn ông nắm giữ toàn bộ các chức vụ, cho dù chỉ do tự phong, tự xưng. Đàn bà cùng lắm là chạy lúp xúp theo làm thư ký, có khi kiêm luôn chức người tình hoặc nô lệ sai vặt.

Nói về Việt kiều nam giới thì có biết bao người - phảI nói hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn - miệng thì "nam mô", hoặc theo đạo Thiên chúa thì "Lạy Chúa" hàng tuần trong các chùa chiền, nhà thờ, nhưng khi về VN thì bỏ tiền ra hoặc mua chuộc tình cảm, hoặc mua sắc dục, tệ hơn là gạt tiền, tình, của các cô gái nghèo hoặc ít hiểu biết tại VN.

Tôi biết vài người luôn mở miệng ra là nói chuyện đạo đức, rồi về chính trị xã hội thì nào là đấu tranh cho VN tự do dân chủ, v.v... nhưng vẫn đều đều về VN kiếm bồ nhí (đây là nói văn hoa, chứ nói thẳng là mua gái) tuổi không bằng phân nửa, mà chỉ toàn bằng những cách "bàng môn tả đạo" chứ chẳng phải do tình yêu gì.

Lê Thanh Sơn, TP. HCM
Xin chào thân ái, "cái dương vật buồn thiu", phải nói là cách so sánh rất hay, rất thú vị. Nhân đây Sơn có một nhận xét có được do được tiếp xúc: năm 1954 và 1975 là hai mốc quan trọng của Việt nam; sau những lo ngại về chính sách của cộng sản trong quá khứ kiểu như "trí, phú , địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" nên thực sự phần lớn trí thức Việt nam đã chạy ra nước ngòai.

Trong nước còn sót lại một số trí thức theo cộng sản nhưng cũng bị hạn chế sử dụng. Việc cải cách mở cửa chỉ thực sự diễn ra từ năm 1990 và trông chờ vào thế hệ trẻ lên thay thế. Đó là lý do tại sao chỉ vài triệu người Việt ở nước ngòai lại đem lại thành công lớn hơn cả 80 triệu người trong nước.

Tiện đây Sơn cũng xin kể một câu chuyện: Sơn có gặp một trí thức cũng có cỡ ở Việt nam, khi nói chuyện về chính sách sử dụng người Việt ở nước ngòai của nhà nước thì bà này than phiền:" vậy là lũ chúng mình bị vứt đi hết; tốt nhất là trao đổi kinh nghiệm là đủ"; cái vế sau của câu nói thì không được nói thẳng ra như vậy mà chỉ nói "xéo". Câu chuyện của Sơn chỉ là một khía cạnh nhỏ không đáng kể, nhưng dù sao Sơn cũng cảm thấy buồn cho đất nước Việt nam.

Candy
Các bạn, đàn ông Việt Nam dĩ nhiên là có nhiều người thông minh, bản lãnh, có trách nhiệm nhưng vẫn không phải là không có người ngược lại. Ý của tôi là với những người ngược lại như vậy, khó mà hy vọng tương lai đất nước sáng sủa hơn. Cái này cũng không hẵn với đàn ông thôi. Nhưng vì ở đây đang đề cập tới 'đàn ông'.

Khi nào tất cả chúng ta ý thức được điều này để thay đổi thì tương lai chúng ta cũng sẽ tốt đẹp chứ nói chi lớn lao là tuơng lai đất nước phải không các bạn.

Xuan Lam, Sài Gòn, Việt Nam
Xin thưa các độc giả và các bạn, đàn ông Việt Nam rất là thông minh. Và có lẽ nhà văn Lê Minh Khuê nói đàn ông Việt Nam "dốt" và "kém" thì tôi thấy không đúng. Mà sự thật là họ rất tài giỏi.

Để tôi nói về những tài giỏi của họ nhé. Họ bắt người dân trong nước đóng thuế, lấy tiền thuế đó xây nhà cho cán bộ. Họ xin tiền viện trợ từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xây trường học và khắc phục hậu quả bão lũ. Vốn vay quốc tế thì các ông đổ hết vào công ty quốc doanh. Làm ăn thua lỗ cũng chẳng sao. Như việc của ông Dũng, mặc kệ dân tình. Tiền viện trợ mình cứ lấy mà cá độ, đánh bạc. Hết thì xin nữa rồi suy nghĩ vẽ ra 1 cái dự án khống nào đấy để họ rót vốn. Xây đường làng thì cứ bảo dân đóng góp. Còn nhà cán bộ ôi thôi lo chi cho mệt, có ngân sách nhà nước cả rồi.

Dân nghèo vào bệnh viện không có bảo hiểm (hoặc bảo hiểm của bảo Việt) thì bác sĩ coi như ăn mày. Tôi dám nói điều này vì tôi đã từng làm việc trong bệnh viện nhà nước. Các ông giám đốc bệnh viện thì thường xuyên tổ chức ăn nhậu, đánh Tennis lãnh thưởng. Tiền đó cũng do ngân sách nhà nước chi thôi. Đâu cần ngồi suy nghĩ xây dựng tổ quốc như thế nào.

Dân tộc Việt Nam vốn chịu thương chịu khó nên ngày cơm 3 bữa không ốm đau là tốt rồi. Lâu lâu xây cho con đường là nhà nước đã quan tâm lắm rồi. Cứ việc ngồi suy nghĩ làm sao kiếm viện trợ thật nhiều, đầu tư thật nhiều để có tiền mà ăn nhậu.

Kính thưa với nhà văn Lê Minh Khuê. Đàn ông Việt Nam (nhất là các ông lớn) không phải "kém" chuyện xây dựng tổ quốc mà là "lười". Lười việc công nhưng siêng việc tư, tức là làm sao có tiền bỏ túi riêng càng nhiều càng tốt. Chứng tỏ họ rất thông minh. Tại sao ông Kim Jong II của bắc Hàn lại đầu tư vào vũ khí nguyên tử thay vì kinh tế? Điều dễ hiểu, vì ông ta quá thông minh. Ông ta biết rằng, nếu dân bắc Hàn đói, quốc tế sẽ viện trợ vì lòng nhân đạo. Cho nên có bao tiền ông ta đỗ hết vào vũ khí! Việt Nam ta thì khác một chút: chăm lo cho kinh tế, nhưng túi riêng lúc nào cũng dày cộm hơn túi công. Đó là tôi muốn so sánh 2 đấng nam tài của chế độ cộng sản còn sót lại trên hành tinh này.

Phạm, Canada
Đàn ông Việt Nam nói riêng, người Việt nói chung, có đủ tài trí để tranh đua với bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Việt Nam có rất nhiều "con rồng con hổ" đang tự giam mình trong cái lồng sắt vô hình. Những "con rồng con hổ" trong chiến tranh thì không thể là "con rồng con hổ" để xây dựng đất nước trong thời bình được.

Trong thời bình, những anh hùng trong chiến tranh phải bước sang một bên để cho người khác tham gia xây dựng đất nước. Súng đạn, công an, quân đội không thể xây dựng đất nước được. Nếu chúng ta cứ khăng khăng bảo vệ đất nước bằng súng đạn, độc đảng thì đất nước sẽ chẳng bao giờ phát triển được. Như vậy các anh hùng trong thời bình sẽ chẳng bao giờ dám xuất hiện.

Thử lấy một ví dụ, có 10 người đang đứng dưới một gốc cây đầy trái chín. Người chỉ huy không muốn một ai bị chết, trừng phạt nặng người trèo cây, và chẳng ai muốn chịu chết cả. Hậu quả là mọi người cùng chịu đói. Nhưng nếu người chỉ huy có kế hoạch bảo vệ người trèo cây tốt hơn, té chỉ bị thương, không chết, và ban thưởng hậu hĩnh cho người trèo cây (không phải buộc chia đều cho mọi người), thì thế nào cũng có anh hùng xuất hiện để trèo cây.

Đất nước đang cần một tập thể những anh hùng, những kỹ sư, khoa học gia, kinh tế gia, lãnh đạo tài giỏi để phát triển đất nước. Đất nước đang cần một môi trường tốt cho những anh hùng này. Các người lãnh đạo ở bộ chính trị phải dám hy sinh quyền lợi cá nhân, kể cả sự nghiệp của đảng CS, để tạo môi trường tốt, luật lệ nghiêm minh, khuyến khích đa dạng hoá, chấp nhận phê phán công khai và sửa đổi. Lúc đó sẽ có vô số những anh hùng xuất hiện, đất nước Việt Nam sẽ chóng thay da đổi thịt.

Qua BBC tôi được biết có các bạn trẻ lập công ty nuôi dế, ếch cung cấp thực phẩm cho mọi người. Nếu chính trị VN cởi mở hơn, có thể sẽ có những kỹ sư trẻ lập công ty chế tạo thuốc nổ, vũ khí, tên lửa phục vụ sản xuất, bán cho chính phủ và xuất khẩu ra nước ngoài. Mọi việc đều có thể. Đàn ông VN có thể làm được nhiều việc hơn là "sáng xỉn chiều say, cà phê thuốc lá". Đàn ông VN đang cần một môi trường tốt để hoá thân thành các "con rồng con hổ".

Phát, Sài Gòn
Ông Lê Tùng ở Sài Gòn ơi, "biết bao nhiêu" là bao nhiêu phần trăm so với 80 triệu dân ở trong nước vậy? Nếu so với con số bác sĩ, kỹ sư người Việt hải ngoại trên 3 triệu người thì chắc là nhỏ như hạt gạo mà thôi, phải không nè? Cũng là cái trò "đao to búa lớn", thích đánh đồng mà lại không thể so sánh vấn đề chút nào.

Mà tôi cũng quên, xin đừng đem mấy cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ gì mà khoa trương vì chắc ai nấy đều rõ cái màn tiến sĩ giấy ở VN. Đi thi thì quay cóp từ sinh viên đến nghiên cứu sinh, bao nhiêu trò đổi chác giữa thầy và trò ở đại học, ông chỉ cần xem báo là biết.

Kevin Đỗ, Garden Grove
Có những cái mình không dám đối diện vì nó trúng quá, đâm trúng vết thương lòng. Đọc xong bài viết này, tôi cảm thấy như là các nhà văn nữ đang nói về tôi, về các anh em trai tôi, về các anh em rể tôi, anh em vợ tôi, về bố tôi...Phũ phàng, nhưng đúng đấy.

Pe
Gửi bạn Linh, Tôi thấy suy nghĩ về đàn ông Việt Nam của mấy nhà văn nữ dù hay hay dở thì đó là quyền của họ, họ cũng có cái đúng của họ đấy chứ.

Nhưng bạn nói rằng Việt Nam ta có 4000 nghìn năm lịch sử, thì thiết nghĩ bạn phải học lại lịch sử đi. Con số 4000 chỉ là truyền thuyết mà thôi.

Linh
Tôi chỉ thấy chuyện này tầm phào và tào lao. Nhìn nhận một đất nước chỉ bằng vài lời nhận xét phiến diện của mấy nhà văn nữ. Nói đến nhà văn là hiểu họ vận dụng lời lẽ ngôn từ thuần thục và chính xác vậy mà nhà văn Hoài lại ví đàn ông với cái "dương vật" mới hay suy nghĩ của các nhà văn này ngắn làm sao.

Nếu đàn ông đơn giản chỉ như vậy thì ai góp phần lớn tạo ra con người, thế hệ, đất nước trong 4000 năm lịch sử thưa chị Hoài? Còn biết bao người cha, người anh, người chồng ngày đêm không ngại gian khổ , nguy hiểm trên những con tàu Đà Nẵng mất tích trong cơn bão Chanchu với hy vọng mang lại miếng cơm cho vợ con, gia đình? Như vậy bạn vẫn còn thấy đàn ông Việt Nam kém cỏi? Còn bạn? Bạn đã làm gì bằng hành động để xây dựng Việt Nam, hay chỉ là những lời nói tào lao?

Chim Cu, Hà Nội
Có tôi là đàn ông tốt nè. Bà xã tui sáng nào ra ngõ cũng quần là áo lượt, mà người chuẩn bị không phải ai khác mà chính là tui. Bả mỗi khi muốn khích lệ tui làm thêm việc chi khác giúp bả, bà vẫn hay nói: 'Anh đúng là người đàn ông đích thực của em'.

Thử hỏi mấy ông có biết tại sao tui giúp vợ tui không? Chỉ để thi thoảng tui khuyến khích bả thế này: 'Em hãy xứng tầm với người đàn ông đích thực của em đi'.

Candy
Đồng ý với chị Nguyễn Thị Thanh ở Nha Trang. Thật khó mà tin tương lai đất nước này sẽ tươi sáng hơn với thanh niên Việt Nam sáng ngồi chật quán cà phê. Chiều thì quán nhậu, quán cà phê, bar chật kín.

Tuổi đi học, trung học hoặc đại học, cũng la cà cà phê cà pháo kể cả buổi trưa bỏ học đi cà phê tán dóc nghe nhạc, chát chít, cặp bồ bịch. Còn ở nhà thì không bỏ sót game show nào trên TV, không bỏ sót chương trình nhạc nào trên TV.

Lối sống thật không có trách nhiệm với tương lai bản thân, gia đình thì nói chi xã hội, đất nước. Nhưng khi ai nói cho biết về tình hình đất nước thì nhân danh thanh niên trí thức yêu nước bai bải cãi lại theo giáo điều sáo rỗng từ sách vỡ đã học. Không có trách nhiệm mà cũng không có tinh thần cầu tiến, lắng nghe.

Ái, Hoa Kỳ
Kính anh Phạm Minh Vũ, Nếu anh còn ở trong nước tôi mong anh hãy có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Tôi hiện đang ở Hoa Kỳ, tôi đã chứng kiến nhiều thành công đáng kể của lớp con cháu, thế hệ thứ hai, đấy anh.

Thế hệ tôi cũng có nhiều người thành công đáng ca ngợi đấy! Theo tôi nghĩ chúng ta nên nghĩ và hành động thế nào cho đất nước chúng ta phát triển, theo kịp , ít ra, bằng các nước láng giềng, như Thái Lan, rồi sau đó mới nghĩ tới Nam Hàn, Đài Loan. Đừng nghĩ đến Nhựt Bản bây giờ! Anh hãy can đảm đọc lời nhận xét của "Trinh, London" thì anh có câu trả lời cho chính anh đấy.

Nguyễn Trung, Hà Nội
Ôi, Tưởng Bình Minh sao mà giỏi tưởng tượng thế! Đàn ông làm mọi việc trước hết cũng vì gia đình, vợ con và bản thân mình. Đàn ông ở nước nào cũng thế cả thôi. So sánh rất khập khiễng giữa đàn ông Việt nam và các nước khác!

Các nước khác trước đây cũng giống như Việt nam thôi, khi nghèo túng phải lo gia đình trước, khi dồi dào mới nghĩ đến cái lớn hơn. Hàn quốc trước đây cũng vậy thôi. Trích dẫn những câu nói của các nhà văn nữ thật là ngớ ngẩn! Nhà văn nữ cũng chỉ là đàn bà thôi, tầm tư tưởng của họ đâu có thể vượt qua được suy nghĩ đàn bà "sâu sắc như cơi đựng trầu". Không thể đùng một cái người đàn ông có thể làm đảo lộn thế giới được như đòi hỏi của quý vị được!

Minh, Tokyo
Tên của bài viết nói về đàn ông Việt nhưng tôi hiểu và mặc nhận tác giả đang nói về con người Việt Nam. Còn nếu ý của tác giả thực sự nói về tính cách đàn ông Việt Nam thì tác giả đã quá ngây ngô và bài viết này không đáng để bàn luận.

Tôi xin phân tích một ý tác giả so sánh người Việt với và người Nhật. Theo tác giả, người Nhật mạnh về lý trí? Không biết tác giả lấy căn cứ từ đâu để kết luận như vậy. Tôi không nhận thấy điều đó nếu. Tôi nghĩ đó là do đặc trưng xã hội Nhật Bản có tính cạnh tranh cao đã tạo ra những con người Nhật cần cù nhwng năng động. Ở đó, mọi người đều có vịêc làm. Xã hội có ít người thừa thãi. Sự tồn tại của họ trong xã hội đều có ý nghĩa.

Còn ở Việt nam thì sao? Một xã hội thiếu việc làm. Đàn ông hay đàn bà cũng thế, muốn có việc làm nhưng ai cho họ làm? Xã hội Nhật ngày nay là kết quả của sự phát triển bền bỉ và liên tục hàng trăm năm qua do Nhật hoàng khởi xướng.

Bởi vậy, nếu nói là trì trệ thì phải xét lại lịch sử từ thời Nguyễn. Đúng là đàn ông VIệt Nam khi đó - cụ thể là vua tôi nhà Nguyễn đã quá trì trệ, kém cỏi. Trong khi Nhật Hoàng chủ trương du nhập khoa học kỹ thuật, cách tân đất nước và phát triển kinh tế thì cha con nhà Nguyễn vẫn ngồi đàm luận chuyện vua Nghiêu vua Thuấn. Họ cũng không mềm mỏng với phương tây như vua Thanh và vua Xiêm đã làm, khiến đất nước rơi vào tình trạnh bị xâm chiếm, dẫn dắt đến chuỗi lịch sử thăng trầm tủi nhục thế kỷ 19 và những cuộc tương tàn đẫm máu nhất thế kỷ 20.

Tôi nghĩ người Việt trì trệ không phải do bản chất mà do hệ thống, vốn được quyết định bởi một vài cá nhân. Người Việt (trong đó có đàn ông) có ì ạch thế này không nếu vua Nguyễn chịu chấp nhận cải cách để tạo một xã hội theo kiểu Nhật.

Đất nước Việt Nam giờ đã khác rất nhiều nếu người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ không chết quá trẻ để cơ đồ lọt vào Nguyễn Ánh trì trệ, bất tài.

Tôi cũng không đồng ý với tác giả về viễn cảnh VIệt Nam. Tôi tin Việt Nam sẽ phát triển mặc dù không nhanh. Có không ít trong số hơn 40 triệu người Việt lười nhác nhưng phần lớn họ đang quần quật mưu sinh, đang ngày đêm cố gắng để đem lại từng sự đổi thay đổi cho họ và cho xã hội. Đừng nhìn vào thiểu số mà kết luận đa số xã hội. Thay vì ngồi chỉ trích, hãy làm một cái gì cụ thể tốt cho mình và đóng góp cho Việt Nam phát triển.

Giang Đông
Ông bạn Nguyễn Văn, San Jose đưa ra dẫn chứng quá giản đơn và thực thà, tôi cho rằng những ý kiến đối kháng CS không hề được những người ảnh hưởng tuyên truyền CS đọc và suy ngẫm, vì thế những chính kiến trên diễn đàn BBC chỉ được họ đáp lại bằng những điệp khúc tối nghĩa. Cho nên điều bạn kể ra sẽ bị cho là không có bằng chứng, bịa đặt dù đó là sự khác biệt hiển nhiên giữa điều kiện sống dưới chế độ CS so với điều kiện sống của hầu hết đồng bào VN đang lưu lạc ở xứ người.

Lê Tùng, Sài Gòn
Bác Nguyen Van, San Jose, USA ơi, gia đình của bác ở VN 34 đứa cháu, mà chỉ 1 đứa tốt nghiệp Đại học, 28 đứa thất nghiệp... ôi sao mà tệ thế. Trong khi biết bao bạn trẻ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường Đại học danh tiếng trên thế giới nhằm góp sức cải thiện tình hình đất nước và cùng chung tay chấn hưng giáo dục.

Bác đừng cứ đổ lỗi chỉ do nền giáo dục nước nhà mà nên vận động con cháu nhà bác noi gương các con của bác để trở thành những người có ích cho đất nước. Như vậy không tốt hơn sao, chúc bác vui khỏe nhé.

Nguyen Van, San Jose, USA
Thưa bạn Phạm Minh Vũ, có khác rất nhiều thưa bạn, tôi chỉ muốn lấy 1 thí dụ nhỏ của tôi, may mắn gia đình tôi thoát khỏi thiên đường CNXH, tay trắng khi định cư ở Mỹ, mang theo 3 đứa con nheo nhóc, con tôi được giáo dục tự do, lớn lên con tôi được vào trường danh tiếng của Mỹ và 2 đứa đã là bác sĩ, 1 đứa là kỹ sư, nếu chẳng may tôi phải sống ở CNXH VN thì giờ nầy 3 đứa con của tôi chưa chắc đã học xong trung học.

Như gia đình các anh chị tôi ở lại sống với chế độ XHCN VN, 34 đứa cháu, chỉ có 1 đứa ra trường đại học, còn 28 đứa thất nghiệp vài đứa đi làm lao công cho hãng giầy Đại Hàn. Như vậy tôi đã chứng minh cho bạn thấy là khác biệt chưa, để bạn đừng quá ca tụng CNXH đảng ta thật tài thật vĩ đại nữa.

Phạm Minh Vũ
Thôi đi các anh chị. Cái gì cũng đổ lỗi Mac Lê, cũng đổ lỗi CS. Thế các anh VK tư bản được hưởng sự ưu việt của giáo dục tư bản, có sự tự do dân chủ, có điều kiện cơ sở vật chất không bị gò bó bởi bất cứ chủ nghĩa nào vậy có ai thành công có vang danh thiên hạ tiếng thơm để đời phỏng có đếm trên đầu ngón tay? Tiên trách kỷ hậu trách nhân, nhìn thử lại mình xem có hơn người ta không mà đã gào lên đổ tại.

Tran, Toronto, Canada
Nghe Đào Thị Thanh nói tôi mới biết đàn ông VN thời nay sướng nhất thế giới, chắc tôi phải xin hồi hương sớm quá.

Tôi không đồng ý với Đào Thị Thanh là VN chỉ có đàn bà làm việc, thật ra đàn ông VN làm việc giỏi hơn đàn bà VN nhiều lần. Cứ nhìn chung quanh chúng ta sẻ thấy biết bao gia đình sống nhờ vào đồng lương của người cha. Mà sự chi tiêu nhiều nhất trong gia đình là từ các bà vợ. Vì sự đua đòi của vợ con khiến cho người đàn ông nhiều khi phải kiếm tiền bằng mọi cách và bất chấp mọi hậu quả.

Nạn tham nhũng, hối lộ, tội ác xảy ra tại VN ngày nay mà nguyên nhân chính là do đàn bà. Đến khi bị tù tội thì chỉ có đàn ông VN lãnh mà thôi, còn các bà thì "ôm cầm sang thuyền khác" để cho cánh đàn ông " ngậm ngùi ôm hận trong nhà giam".

Phat, Saigon, VN
Nói về chuyện "rồng phượng" cho xa vời, tôi có 1 ví dụ cho mọi người có thể nhìn rõ vấn đề của VN hơn trong phạm vi cạnh tranh thế giới hiện nay: VN cho tới ngày hôm nay vẫn chưa có thể tự biên tự diễn ra một chiếc xe Honda ra trò để có thể cạnh tranh (cho dù là chỉ với hàng rẻ Trung Quốc). Sự thật là chỉ có thế thôi và việc trách nhiệm của ai thì các vị những ai cứ kêu gào "tinh thần dân tộc" chống lại sự du nhập của phương Tây thì phải đứng lên tự nhận trách nhiệm với đất nước nếu bạn là... đàn ông.

Đàn bà VN đã từ bao đời nay theo gia giáo Đông Phương là tề gia, nội trợ... và cho tới ngày hôm nay họ cũng vẫn bị xem thường (bằng cách so sánh sự đối đãi với người khác phái giữa một ông VN và ông Việt Kiều) nếu không nói l! à vũ phu, hạ cấp.

Tôi đã từng về VN, đã từng thấy cảnh sáng say chiều xỉn mà ở các nước khác tôi chưa được mục kích tràn lan như vậy bao giờ. Những cụm từ "anh hùng dân tộc", "tự ái dân tộc" hay "tự hào dân tộc" không có một ý nghĩa nào khi VN cứ là một trong những nước nghèo cứ ngữa tay xin tiền viện trợ từ thế giới hằng năm, và nếu những người VN không hiểu được và áp dụng được câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" và "hưng vong" ở đây không chỉ nhất thiết là nói về chiến tranh đâu (tuy tôi không quên chuyện VN mất nhiều phần đất, biển và đảo cho Trung Quốc "anh em"), mà nó còn có ý nghĩa về kinh tế, tự do, dân chủ nữa. Chỉ tiếc là VN bị tiêm nhiễm thói học... vẹt quá lâu rồi, thật khó cho họ dám có sự thay đổi nào mới lạ hơn.

Dũng, Singapore
Theo tôi không nên đặt tên bài này là “đàn ông nước nam” mà nên đặt tên là “đàn ông Tưởng Bình Minh” bởi có lẽ nó phản ảnh chính bản thân tác giả mà thôi.

Bài viết không có một luận cứ khoa học rõ ràng, dẫn chứng nghèo nàn từ những lời nhảm nhí của những nhà văn chẳng có tên tuổi gì dẫn đến là đọc xong mà chẳng thu được gì.

Phạm Mai Hoa
Theo tôi cái cần nhất cho giới đàn ông VN hiện nay là khả năng suy nghĩ và hành động độc lập. Lỗi ở đây là do cách giáo dục, cách xây dựng mẫu ngưòi cũng như cách dùng người của nhà cầm quyền CS.

Chúng ta thử cắt nghĩa xem tại sao lại như vậy? Ngay từ bé người ta đã bắt trẻ em phải sinh hoạt Đoàn đội một cách rất cứng nhắc. Các em phải học và làm theo một khuôn mẫu do trung ương Đoàn, Đội xây dựng sẵn. Em nào mà không như vậy sẽ bị coi là trẻ hư, không có tinh thần tập thể.

Tuổi Đoàn với các em là quãng thời gian học THPT và ở các trường chuyên nghiệp ngoài Đoàn ra các em lại tiếp tục sinh hoạt trong ‘hội sinh viên Vệt Nam’. Người ta “cai quản” các em không khác mấy thời sinh hoạt Đội thời thiếu niên… Nếu để ý các cuộc phỏng vấn các bạn trẻ, các bạn sinh viên ta thấy rõ là tình cảm của các em rất trong sáng. Em nào cũng sẵn sàng xả thân vì nước vì dân, cuộc đời thật đẹp, Đảng thật vĩ đại và đất nước với viễn cảnh giàu có.

Nhưng rồi bạn phát hiện ra là mình đã bị lừa! “Quả” bị lừa đầu tiên là cửa ải xin việc, “quả” thứ hai là mẫu hình các quan bằng xương bằng thịt nó dần rõ ràng ra trước mắt các bạn: Chạy quyền chức, xu nịnh, hối lộ, tham ô, nhậu nhẹt, bè cánh.

Từ đây bạn phải chọn một trong hai hướng: - Một: Tiếp tục theo vòng xoáy và tự lừa dối mình, muốn lên quan thì việc trước tiên phải vào Đảng, phải nằm trong ê kíp nào đó, phải hối lộ và tìm cách nhận hối lộ để bù lại khoản đã mất. Bạn phát hiện ra rằng giỏi chuyên môn nghiệp vụ không quan trọng bằng giỏi luồn lách.

Thật tiếc là đa số lựa chọn theo hướng này. Nó cắt nghĩa rằng tại sao con người VN nói chung và đàn ông VN nói riêng hèn yếu, đánh mất lòng tự tôn dân tộc, tham lam, ích kỷ.

Nào, nói về con đường thứ hai: Phản kháng lại những cái xấu xa tồi tệ đó và để rồi chắc chắn bạn dần bị loại ra khỏi cuộc chơi. Nhớ rằng ở VN hiện nay nếu bạn là người trung thực, có tính độc lập trong suy nghĩ và tự chủ về tài chính không qua bổng lộc thì sớm hay muộn bạn cũng bị đánh bật ra khỏi tập đoàn tham nhũng, bè cánh ở mọi nơi mọi cấp.

Một số cá nhân đấu tranh thành công với tham nhũng chỉ là các trường hợp rất cá biệt, đa số họ đều phải có hậu thuẫn của một ai đó đã hoặc đang có thế lực. Nhưng cũng thật tiếc là số này thường quá ít ỏi và như muối bỏ bể, họ dần bị biến thành những kẻ “phá hoại”, “gây mất đoàn kết” nội bộ, và từ đây đến “phản động” là không còn bao xa.

Tóm lại là bạn bị mất động cơ hoặc không còn khả năng phấn đấu hiệu quả cho cá nhân mình và cũng là cho xã hội. Thật vô lý khi cả một đất nước với hơn 80 triệu người mà luôn thiếu vắng những nhân tài và những người có bản lĩnh? Câu trả lời là: Do người ta không có hoàn cảnh xã hội và điều kiện cần thiết để phát huy; Do mẫu người nhan nhản trong xã hội chỉ luôn nói lời hay làm việc giở. Con người mới sinh ra ở mọi nơi đều giống nhau, sau phát triển như thế nào là phần nhiều do giáo dục, do môi trường sống.

Trung Dung
Tôi thì nghĩ thế này. Con người suy cho cùng là sản phẩm của môi trường xã hội chung quanh, thế nên, đừng có khái quát hóa 'người VN thế này, người VN thế kia.' Phải đặt nó trong một bối cảnh nhất định.

Nói về đàn ông Việt hôm nay, một phần cũng do học thuyết Mác Lê du nhập vào quê ta mà ra. Sau khi đất nước thống nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn nhanh chóng tiến lên CNXH, bất chấp các điều kiện khách quan và chủ quan hàng loạt HTX được xây dựng trên toàn cõi Việt Nam, các loa phóng thanh trong nước thì ra rả: "Việt Nam có quân đội đứng hàng thứ 3 trên thế giới", "Việt Nam sắp bước vào CNCS".

Năm 1986 bước vào thời kỳ đổi mới về kinh tế nhưng chính trị vẫn giữ học thuyết Mác Lê, đời sống người dân có đỡ khổ hơn nhưng sức lao động của xã hội chưa được giải phóng. Gần đây một số nhà lãnh đạo xuất thân từ Miền Nam có tư tưởng cấp tiến thân phương Tây thì các "Kẻ sĩ Bắc Hà" vẫn quyết tâm sắt đá định hướng XHCN. Đấy, lãnh đạo đàn ông đưa ra đường lối thế thì nguy tai. Nhưng vấn đề không phải là vì họ là nam hay nữ, mà vì họ bị ảnh hưởng của một học thuyết lỗi thời, thế nên làm đất nước điêu đứng. Vậy thôi.

Ngày 20-10 đã qua, sang năm 2007 lại có 1 ngày 20-10 nhưng các bậc tu mi nam tử nước Nam vẫn chưa xuất đầu lộ diện để gánh vác non sông, để phụ nữ Việt Nam tự hào về người đàn ông của họ.

TK
Tôi nói thật chỉ cần 10 % lực lượng lao động nam giới ngưng làm việc thì xã hội sẽ chao đảo mất. Suy nghĩ cho rằng đàn ông Việt Nam chỉ biết ăn chơi và suy nghĩ cảm tinh mới thật sự là một suy nghĩ cảm tính.

Còn vô sản không phải là không phải là không có của cải mà là không có vật thể để tạo ra tiền một cách thụ động (tức là chủ nó không cần tác động hoặc chỉ tác động rất ít để duy trì nguồn thu này). Một căn nhà cho thuê với mức đủ để bảo trì và sinh lời cho chủ thì mới gọi là tài sản. Còn căn nhà để không thì nó là nợ vì mỗi năm phải tốn tiền bảo trì nó.Cái ví dụ về người vợ dùng kéo cắt thịt gà thật là khập khiễng.

Nếu con gà là do ông ta nuôi thì việc nhười vợ làm thịt nó không có gì là tội lỗi cả mà phải giấu diếm (vì con gà đâu phải là tài sản mà là nợ hoặc cùng lắm là một dạng đầu tư ngắn hạn).

Hoàng Ninh, Hà Nội
Đúng là người Việt Nam còn có những điểm yếu, đất nước Việt Nam còn nhiều hạn chế, tuy nhiên vì sao lại đổ hết lên đầu đàn ông?

Có phải từ xưa đàn ông luôn là người gánh vác xã hội? Các nhà văn nữ nói không sai, tuy nhiên các chị đã có những cống hiến gì cho tổ quốc ngoài những lời than phiền đó? Tôi không muốn tranh luận về việc ai làm việc nhiều hơn, thực tế sẽ chỉ ra điều đó.

Chị Thanh có thể không tin là đàn ông Việt Nam có thể làm thay đổi đất nước, nhưng tôi thì tin là chúng ta sẽ xây dựng được đất nước Việt Nam phát triển. Chúng ta cần thời gian để thay đổi nhận thức xã hội. Chúng ta cần hành động chứ không cần những câu chuyện bên lề quán nước.

LQV
Câu hỏi đầy đủ là tại sao Việt Nam còn nghèo, lạc hậu đến thảm thương? Câu trả lời là chính bởi năng lực của con người xứ Việt ở mức tầm tầm, trong đó có cả đàn ông, đàn bà và lũ con nít chúng ta, và không thiếu tác giả B.Minh với kiểu lý luận nửa vời.

Có chắc là “đàn ông xứ ta rất anh hùng, rất cao thượng, sống đẹp, chết đẹp trong chiến tranh và dân tộc VN lắm thiên tài quân sự hay anh hùng trên chiến trường”? Cần xem lại sự anh dũng trong chiến tranh của những kẻ trì trệ và hèn nhát trong thời bình. Đó là câu trả lời vì sao “chưa thấy đâu một nhà kỹ trị đặng đem lại tương lai thịnh vượng cho quốc gia”.

Vì thiếu thực tế nên trong khi những người đàn ông đang say sưa với giấc mơ quá độ đi lên XHCN, thì chị em phụ nữ Việt Nam vẫn loay hoay dưới bếp với nồi khoai, nồi sắn và hát vang bài ca nam nữ bình quyền. Thay vì cùng nhau làm cho đất nước hùng mạnh thì họ lại thi nhau xuất ngoại theo chồng, khi “người đàn ông thời nay đôi khi làm thất vọng”. “Còn đàn ông ở ta, khi nhận xây một tòa nhà, một con đường họ nghĩ làm thế nào để bỏ túi được một nửa, nhưng hầu như ai cũng vậy” các bà đều chê sao ít thế!

Thật khó cho viễn tượng rồng hổ ở nước ta, khi mà mọi người Việt vẫn cứ loay hoay với tư tưởng Ta, Tàu, Tây, và nền kinh tế thị trường đinh hướng XHCN mà đạo đức xã hội có thể thay đổi từng ngày. Trách ai đây.

Đào Thị Thanh, Nha Trang
Tôi không tin tưởng lắm vào đàn ông VN có thể làm thay đổi đất nước (sự phát triển). Cứ nhìn trên đường phố thì thấy. Buổi sáng đàn ông ngồi đầy ở quán cà phê, trưa và chiều đến tối đàn ông hiện diện chật cứng ở các quán bi-da, quán nhậu.

Tất cả họ đều ở cái tuổi làm ra vật chất, của cải cho xã hội (25 -50). Sinh viên các trường đại học cũng thế. Chat trên internet, cà phê, bi-da, nhậu , vũ trường... Tôi không thể tưởng tượng được tương lai nước Việt ra sao với đại bộ phận nam giới yếu kém như thế. Ai đó đã nói ở Việt Nam họ thấy hầu như chỉ có phụ nữ làm việc!

Trinh, London
Bài viết có thể coi là một chương trong cuốn sách “Người Việt xấu xí”. Dũng cảm nhìn nhận những cái xấu và yếu điểm của dân tộc mình là một việc cần thiết để tự hoàn thiện, để phát triển. Nhưng thổi phồng những điểm yếu cũng dễ khắc sâu thêm mặc cảm nhược tiểu, bào mòn đi lòng tự tôn cần thiết. Hơn nữa tác giả cho rằng “viễn tượng rồng hổ” là quá khó đối với (đàn ông) nước Nam. Tôi không tin như vậy.

Nếu theo cách lý luận của tác giả, thì đàn ông Hàn ở miền bắc thì hèn yếu, ở miền nam thì mạnh mẽ. Cho nên Bắc Hàn thì nghèo đói, còn Nam Hàn thì trở thành rồng. Cũng như vậy, đàn ông Đức ở miền Đông thì kém cỏi, ở miền Tây thì tài ba. Thế nên Tây Đức thì giàu có, còn Đông Đức thì nghèo hơn. Chỉ cần dùng phản đề nhỏ như vậy cũng đủ thấy nhận xét của tác giả phiến diện thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét