VNE, Thứ năm, 13/9/2012, 09:00 GMT+7
Cha mẹ mất tiền, con trẻ mất tuổi thơ
Ngôi trường con tôi học thật lạ: vì tuyển được ít học sinh nên số phòng học bỏ trống là khá nhiều, do đó giải pháp bắt học sinh đi học thêm đang được tận dụng triệt để.
>Công chức lao đao vì phí học hành của con >Học sinh đóng 700.000 đồng để trường lên chuẩn quốc gia
Tôi có con đang học cấp 2 tại một trường trung học cơ sở ở Hà Nội. Vì trái tuyến nên tôi mất 2 triệu đồng khi xin cho con vào học tại đây. Giá trái tuyến tại trường này khá rẻ so với các trường khác.
Học sinh phải đi học thêm ngay từ lớp... mẫu giáo. Ảnh: Minh Thùy |
Khi vào học mới biết trường này bị phụ huynh đúng tuyến tẩy chay vì tổ chức học thêm quá nhiều. Rất nhiều giáo viên (đặc biệt là các môn văn, toán, ngoại ngữ) gây sức ép bắt học sinh học thêm.
Học quá tải ảnh hướng đến sức khỏe của trẻ. Ảnh: Energen |
Vì tuyển được ít học sinh nên số phòng học bỏ trống là khá nhiều, do đó giải pháp bắt học sinh đi học thêm đang được tận dụng triệt để. Không những học thêm ở trường mà còn tổ chức nhóm ngoài trường để thu tiền của học sinh.
Bản chất của hình thức học phụ đạo là chỉ kèm các cháu tiếp thu chậm, không theo kịp bạn học. Khi cả lớp phải đăng ký đi học phụ đạo, chứng tỏ người giáo viên đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong giờ học chính khoá. Lớp học có càng nhiều học sinh đăng ký phụ đạo chỉ có thể nói lên 2 điều:
1. Giáo viên dùng chiêu trò ép học sinh đi học để tăng thu nhập.
2. Giáo viên không đủ trình độ nên không truyền đạt được hết kiến thức trong giờ chính khoá dẫn đến phải đi dạy thêm, vừa bù được sự yếu kém vừa có tiền.
Tại sao Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) không nhìn ra bản chất của việc này? Sao không giao trách nhiệm cho hiệu trưởng? Hiệu trưởng nào dung túng cho giáo viên dạy thêm quá 1 buổi 1 tuần và số học sinh đi học thêm quá 10 cháu 1 lớp thì phải kỷ luật ngay để học phụ đạo quay trở lại đúng ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Hè vừa rồi, trường buộc học sinh đi học những 4 buổi một tuần (ra thông báo – trong thông báo bắt phụ huynh viết đơn). Ban phụ huynh của trường thì như bù nhìn, không có tiếng nói.
Vào năm học, những tưởng số buổi học thêm được cắt bớt, nào ngờ học sinh vẫn phải tự nguyện viết đơn xin học 3 buổi một tuần. Gọi là tự nguyện nhưng không vị phụ huynh nào dám thử từ chối vì lo lắng ảnh hưởng đến con mình.
Việc học thêm đã được gọi là vấn nạn thì chắc chắn rằng việc ép học thêm không chỉ là hiện tượng của trường nơi con tôi đang học.
Song song với chuyện ép học thêm là vấn đề loạn thu.
Các khoản đóng góp như tiền học, tiền nước uống, tiền bảo hiểm thì coi như học sinh hưởng. Điều bức xúc là 3 loại quỹ: 1 là quỹ trường (khoảng 100.000 đồng một năm), 2 là quỹ lớp (khoảng 900.000 một năm), 3 là quỹ khuyến học (50.000 một năm). Ba quĩ này thực tế toàn chi cho giáo viên là chính.
Quỹ trường thì 100% là chi cho giáo viên, vì khi đã đóng là mất hút chẳng bao giờ nhận được tờ báo cáo. Quỹ khuyến học thì bổ đầu mỗi học sinh 50.000 đồng nhưng chi được cho học sinh bao nhiêu phần thì cũng đố phụ huynh nào biết. Quỹ lớp thì còn nhận được tờ thống kê chi tiêu nhưng chia tỷ lệ thì cũng dành cho giáo viên đến 70%.
Ấm ức chuyện trường lớp của con nên mang ra cơ quan xả stress thì 100% đồng nghiệp an ủi: "Thôi chịu khó đi, trường nào cũng thế hết. Trường con mày là trường làng mức chi phí thế là rẻ, đừng ý kiến ý cò gì mà con bị ‘để ý’ thì khổ cho nó".
Quả là khổ thân con tôi thật, mới học cấp 2 thôi mà còn vất vả hơn bố mẹ đi làm. Hết 8 tiếng bố mẹ đã được nghỉ ngơi rồi còn con thì sáng học, chiều học, tối học.
Cha mẹ mất tiền đã đành, chỉ thương cho các con mất luôn tuổi thơ.
Ngọc Hà
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét