TT - Đó là phát biểu của ông TRẦN VĂN HẢI - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - sau chuỗi động đất xảy ra ngày 22 và 23-9. Sáng 24-9, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục có động đất...
Người dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đang phải lo chống đỡ tạm nhà sau trận động đất ngày 23-9 - Ảnh: Hữu Khá
Ông Hải nói: “Người dân nên yên tâm và tin vào các thông số khoa học đã được nghiên cứu khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Đây là động đất kích thích, thủy điện Sông Tranh 2 có thể làm quá trình động đất, giải phóng năng lượng này diễn ra nhanh hơn chứ không thể cao hơn động đất kiến tạo. Chúng tôi vẫn cho rằng trận động đất vừa rồi xảy ra nằm trong tính toán và chúng tôi hoàn toàn yên tâm”.
Chỉ an toàn cho đập
Ông Trần Văn Hải |
* Có thể các ông yên tâm, nhưng động đất dồn dập xảy đến với cường độ ngày càng mạnh, làm sao người dân yên tâm, thưa ông?
- Trận động đất lúc 10g57 ngày 23-9 có gia tốc đo được tại đập là 89,9cm/s2 (tương đương động đất cấp 6), chỉ mới bằng 62% khả năng chịu đựng của đập Sông Tranh 2 (150cm/s2, tương đương động đất cấp 8). Còn nếu theo kết quả giám định của Công ty tư vấn thiết kế Colenco (Thụy Sĩ) do Hội đồng nghiệm thu nhà nước thuê tư vấn độc lập, đập thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất có gia tốc tới 220cm/s2. Nên không có gì đáng lo ngại.
* Hiện thủy điện Sông Tranh 2 không tích nước và đang ở mực nước chết, nhưng động đất kích thích vẫn xảy ra liên tiếp. Liệu có dự đoán được khi tích nước ở cao trình cao hơn thì động đất sẽ mạnh đến đâu không?
- Tôi không phải là nhà chuyên môn để có thể dự đoán được điều này. Cũng không ai có thể đưa ra con số tương ứng giữa mức tích nước và cấp độ động đất, chỉ có thể đưa ra mức độ động đất cực đoan nhất khi tích nước tối đa. Và ngay cả trong trường hợp này thì Viện Vật lý địa cầu cũng xác định trong tương lai có thể có động đất mạnh hơn nhưng khó mạnh hơn hồ sơ thiết kế của đập.
"Tôi không nghĩ động đất có thể gây sập nhà trong thời gian tới, điều đó rất khó xảy ra, vì vậy ta hãy yên tâm mà sống. Nhà dân mà mất an toàn là chúng tôi sẽ hỗ trợ!"
Ông TRẦN VĂN HẢI (trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3)
* Như vậy độ an toàn khi có động đất chỉ được tính cho đập thủy điện thôi sao? Nhà dân làm sao chịu nổi động đất cấp 8 hoặc cao hơn?
- Không thể lấy tiêu chuẩn xây dựng của nhà dân và đập thủy điện để tính chung được. Đập thủy điện tồn tại hàng trăm năm, còn nhà dân thì ngắn hơn, có tiêu chuẩn riêng của Bộ Xây dựng. Đúng là nếu động đất cấp 8 thì đập an toàn nhưng nhà dân sẽ sập. Nhưng tôi đã nói đây là động đất kích thích, không phải vì thủy điện Sông Tranh 2 mà nó mạnh hơn, cùng lắm chỉ diễn ra sớm hơn mà thôi. Ở Hà Nội cũng từng có động đất tới 5 độ Richter đấy thôi.
Chưa đến mức bồi thường
* Như ông vừa nói, động đất kích thích là do tích nước thủy điện Sông Tranh 2 gây nên, vậy chủ đầu tư dự án đã có phương án hỗ trợ thiệt hại gì cho người dân có nhà bị hư hỏng chưa?
- Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với người dân và mong người dân cũng phải chia sẻ cho chúng tôi. Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thống kê các thiệt hại của người dân trong vùng do các trận động đất vừa qua gây nên. Chủ đầu tư chỉ mới sửa được một cột nhà dân bị nứt. Riêng những vết nứt của các nhà khác phải đánh giá một cách thận trọng, nứt do động đất hay nứt thông thường. Hầu hết các nhà nứt do người dân xây tường mỏng, nền mỏng hoặc quá nông. Như các anh thấy, Trường mẫu giáo Hoa Phượng chỗ bị nứt nếu không có động đất nó vẫn nứt vì người ta xây không có dầm. Còn hư hại nặng, nhà dân mất an toàn thì đến giờ chúng tôi chưa thấy.
* Về lâu dài, có thể tính được lộ trình tích nước trở lại của thủy điện Sông Tranh 2 không?
- Về mặt kỹ thuật, tôi khẳng định hoàn toàn có thể tích nước được rồi. Nhưng bây giờ chuyện thủy điện Sông Tranh 2 không còn dừng lại ở vấn đề kỹ thuật nữa mà là tâm lý của người dân. Chưa tích nước cũng là một cách chia sẻ với người dân. Hiện vẫn chưa có lộ trình chính xác khi nào sẽ tích nước mà phụ thuộc vào quá trình quan trắc, khi nào đủ điều kiện thì mới tiến hành, thời gian có thể là một hoặc hai tháng, có khi là sáu tháng hoặc một năm.
* Trực tiếp chứng kiến động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, ông có sợ không?
- Nói thật là cũng sợ mỗi lần có động đất. Cả đơn vị tôi hiện có đến 145 con người đang sống dưới chân đập. Khi có rung chấn thì cũng có tâm lý hoảng hốt, nhưng chúng tôi vẫn yên tâm vì tin các trận động đất không lớn hơn so với thiết kế an toàn của đập thủy điện.
HỮU KHÁ - VIỄN SỰ
Đã có 119 nhà dân bị hư hỏng
Trái với khẳng định chưa có thiệt hại của Ban quản lý dự án thủy điện 3, trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết dù chỉ mới thống kê thiệt hại tại các xã Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Tân và thị trấn Trà My nhưng đã có 119 nhà dân bị hư hỏng, xuống cấp, nứt nẻ do các trận rung chấn.
“Trước mắt chính quyền huyện dùng ngân sách để “chữa cháy” cho người dân rồi chờ cấp trên. Tỉnh cũng sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực VN và các bên liên quan chứ huyện thì vượt quá khả năng” - ông Thiệu nói.
Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi cho biết thêm lúc 6g ngày 24-9, một trận động đất nhẹ xảy ra kèm theo nhiều rung chấn mà người dân có thể cảm nhận được. Đây chỉ là rung chấn nhẹ nên không có thiệt hại. Trong ngày 24-9, các loa truyền thanh của huyện Bắc Trà My liên tục phát đi nhiều bản tin cảnh báo và hướng dẫn cách ứng phó tình hình động đất tại khu vực.
TẤN VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét