Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Giáo dục VC không chỉ lạc hậu mà còn đang… lạc lối

TNO, 30/09/2012 12:12

(TNO) Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, nó đang đi lạc hướng, ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.

Đó là ý kiến của các nhà giáo dục tại hội thảo "Trí thức thủ đô với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" do Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 29.9.

Nhà trường không chỉ dạy chữ

GS Hoàng Tụy cho rằng, trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại đằng sau, “chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”.


GS Hoàng Tụy chỉ ra: Giáo dục đang lạc hướng, lạc điệu từ cái gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn dạy làm người. Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN, có thể nói, 12 năm từ tiểu học đến THPT, giáo dục của chúng ta chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì.

GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đặt vấn đề: Tại sao bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết đều không được thực hiện nghiêm chỉnh? Bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như “đấm vào bị bông”?

PGS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ nói, những sai lầm lớn, nổi trội của GD-ĐT bị phê phán cách đây 15 năm vẫn tồn tại như: nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; tổ chức thi cử nặng nề; nội dung và phương pháp giảng dạy lạc hậu, nhồi nhét; chất lượng đào tạo xuống cấp không kiểm soát nổi, những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm và nguy hiểm hơn là bằng thật mà học giả… chẳng những không khắc phục được bao nhiêu mà lâu ngày đang biến thành những tình thế khó đảo ngược, những căn bệnh "thâm căn cố đế" khó có phương thuốc chữa trị.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm, học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn "xả hơi" sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm. Đến mùa thi thì "đi thầy đi cô" để có bảng điểm tốt. Một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình, đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.

GS Nguyễn Xuân Hãn, Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Hà Nội nêu thực tế: Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực về sách, chương trình quá nặng so với quốc tế và xa rời với thực tế; còn bậc ĐH thì “đói” sách và "dạy chay" triền miên.

GS Đặng Danh Ánh cũng nhận định, không ít sinh viên ĐH chỉ học sao có mảnh bằng nên phần lớn trong số họ rất lúng túng khi bước vào đời.

Hệ thống GD-ĐT kém linh hoạt, tất cả học sinh tốt nghiệp THPT dù giỏi hay kém đều được thi ĐH đã gây nên tình trạng “ùn tắc” quá tải như hiện nay. “Chính phân luồng học sinh không tốt dẫn đến mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực", GS Ánh nói.

Không độc quyền sách giáo khoa

Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc đổi mới giáo dục không nên sa đà vào việc viết lại sách giáo khoa mà cần phải có một chương trình chuẩn đáp ứng được những yêu cầu của nền giáo dục mới.

GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị chương trình sau khi được xây dựng xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc in sách giáo khoa không độc quyền như hiện nay mà phải là việc của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in. Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. “Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt”, GS Lân Dũng nói.

Còn Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu thì đề nghị cần làm lại các chương trình môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống… như chương trình hiện nay.

Đa số các nhà giáo cũng đề nghị phải thay đổi cách thức thi cử như hiện nay.

GS Nguyễn Lân Dũng nói về phong trào “Hai không”: “Tôi hỏi một cháu ở Hà Tây cũ về kỳ thi vừa qua, cháu nói thầy cô cho mang “phao” thoải mái vào phòng thi, chỉ cấm mang sách giáo khoa thôi. Vậy thì đâu chỉ có một Đồi Ngô ở Bắc Giang mà có cả “rừng ngô” trong cả nước”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.Hà Nội đề nghị: "Để kỳ thi tốt nghiệp THPT được nghiêm túc và có tỉ lệ đánh giá chính xác, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn thay đổi quy chế cho thi tốt nghiệp THPT tại ngay các trường THPT. Thầy trò tự coi, các trường tổ chức thi phải đầu tư camera để giám sát toàn bộ kỳ thi. Khi gửi bài thi thì gửi băng ghi hình của phòng thi đó luôn cho hội đồng chấm".

Cần một cuộc tổng điều tra giáo dục

Để đi đến đồng thuận xã hội và nhất trí trong các cấp lãnh đạo về thực trạng giáo dục, chúng ta phải tiến hành một cuộc tổng điều tra giáo dục ở quy mô quốc gia với các phương pháp và công cụ hiện đại… để có được các dữ liệu khách quan trong một bức tranh toàn cảnh chân thực. Không nên chỉ dựa vào báo cáo chính thức của ngành giáo dục và kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học ở từng mảng vấn đề hạn hẹp.
Trên cơ sở của cuộc tổng điều tra này, chúng ta mới có thể biết thực sự nền giáo dục của chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào; yếu kém đến mức độ nào? Để đề xuất phương án cải cách. Thiếu một kết quả của cuộc tổng điều tra như thế thì mọi kiến nghị cải cách giáo dục chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là các chương trình hành động khả thi.
Giáo sư Chu Hảo


Tuệ Nguyễn

----------------------------

Bài Liên Quan: ==>Giáo dục: Tiếp tục giam hãm hay khai phóng? - VNN, 30/9/2012 10:06

Giáo dục: Tiếp tục giam hãm hay khai phóng?

- Sáng 29/9, góp ý kiến cho hội nghị Trung ương VI vào tuần tới - những tri thức thủ đô không ngần ngại ngày nghỉ, đã hội tụ để "hiến kế" cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục nước nhà. Họ là những Nhà giáo nhân dân, GS đầu ngành có nhiều đóng góp cho giáo dục đã không thể ngồi yên trước những lo âu cho thế hệ tương lai của đất nước.
Hơn 3 tiếng "hiến kế" không giải lao, GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Xuân Sính, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Xuân Hãn, nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.... đã phác thảo nhiều "mảng tối" của giáo dục đào tạo nước nhà cần tháo gỡ.
  
GS Hoàng Tụy
GS Hoàng Tụy: "Tiếp tục giam hãm hay khai phóng phát triển?"
Từ 15 năm nay nhiều người đã liên tục cảnh báo, giáo dục của Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.
Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được sẽ bị cô lập, sẽ bị bỏ rơi đằng sau đuôi, "chết lâm sàng" rồi từ từ bị đào thải nếu không sớm tỉnh ngộ.
Có thể nói cái khuyết tật cấu trúc, lỗi hệ thống của giáo dục, cái nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp chính là sự lạc điệu, lạc hướng không giống ai...Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy người.
Dạy người trong nền giáo dục đó là đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Có như thế mới có thể hội nhập thành công và mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực". Bằng không chúng ta sẽ mãi mãi lẹt đẹt theo sau thiên hạ và cái mục tiêu ấy mãi mãi xa vời...
Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển?
GS Chu Hảo
GS Chu Hảo: "Tổng điều tra GD trong năm 2013"
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là lạc hậu (đi đúng hướng nhưng đi chậm) mà là lạc đường. Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng.
Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân  lực cho công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.
Thực tế, bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều không được thực hiện nghiêm chỉnh; những cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như "đấm vào bị bông". Trách nhiệm này thuộc về ai?
Để giải quyết các vấn đề đặt ra, Nghị quyết về GD lần này nên ngắn gọn, không kể lể dài dòng thành tích và tồn tại theo kiểu "ba sôi hai lạnh", về nguyên nhân thành công và yếu kém, thời cơ và thách thức...mà đi thẳng những vấn đề cần quyết và cần chỉ đạo.
Nghị quyết cần khẳng định nền GD đang khủng hoảng và cần tiến hành một cuộc cải cách triệt để. Đồng thời, thành lập Ủy ban Quốc gia về CCGD độc lập với Bộ GD-ĐT để thực hiện hai nhiệm vụ: Tổ chức tiến hành cuộc Tổng điều tra GD trong năm 2013. Tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về CCGD trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015.
Từ nay đến khi có đề án tổng thể về CCGD, không tiến hành bất cứ một đề án Đổi mới hoặc dự luật GD mới nào do Bộ GD-ĐT đề xuất
  
GS Hoàng Xuân Sính
GS Hoàng Xuân Sính: "Bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh..." Một bức tranh trải ra trước mắt: hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học....
Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT - giáo dục của Việt Nam chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì. Người ta thường nói: cứ xem người dân hành xử ở nơi công cộng thì sẽ đánh giá được ngay giáo dục của nước họ.
Đi Trung Quốc sẽ thấy những biển đề nghị "Nói khẽ", ở Thái Lan là "Không xả rác", ở Singapore là "Thừa một lạng thức ăn phải trả 1 đô la sing"...ở quán tự phục vụ. Các biển đó viết bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh, nghĩa là chỉ dành cho người Việt Nam. Nhưng người mình không thấy đó là điều sỉ nhục mà chỉ thấy ngồ ngộ!?
Vấn đề giáo dục phải làm là dạy chữ không quên dạy người. Con người có học là con người tử tế, phải biết xấu hổ với các hành động không tốt, không đẹp. Đồng thời, phải thiết lập một mạng lưới trường lớp hợp lí. Bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ chế xin -cho...
  
Bà Nguyễn Thị Bình
Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Sửa đổi chính sách đối với nhà giáo" Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người mà kết quả sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức và văn hóa xã hội.
Xu hướng của thế giới, muốn phát huy sức mạnh của đất nước phải phát huy tiềm năng của từng con người. Song song với dạy chữ cần phải dạy làm người - đó là nhiệm vụ quan trọng - phải dạy làm người lương thiện có trách nhiệm với xã hội, có tư duy độc lập sáng tạo...
Cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa...Lo ngại hơn, có từ 40-60% giáo viên thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học.
Cùng với đó, hội nghị TW phải nêu được yêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện GD, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết để có cách thực hiện. Cách làm hiện nay của Bộ GD-ĐT không thể đổi mới được.
Cần thành lập một Hội đồng Quốc gia, trong đó Bộ GD-ĐT có vai trò quan trọng trong việc tổ chức xây dựng các đề án cụ thể. Hội đồng gồm những chuyên gia GD trong và ngoài ngành mới thực hiện được sự nghiệp lớn. Đảm bảo đến năm 2015-2020 có một đề án tổng thể về đổi mới căn bản toàn diện GD nước nhà.
6 kiến nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội
- Mọi nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp GD-ĐT, cần nghiên cứu ký, có sự tham gia của các tầng lớp xã hội, có như vậy các Nghị quyết mới ban hành phải bám sát với thực tiễn và tính khả thi.
- Xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống GD quốc dân theo hướng gắn kết GD phổ thông - GD nghề nghiệp - GD ĐH và GD dạy nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại.
- Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập của chương trình - SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển GD ngang bằng với các nước.
- Đề nghị tách hệ thông lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, đề nghị cho giáo viên đã nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 được hưởng phụ cấp thâm niên. Kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách cho Nhà nước và đóng góp của nhân dân cho GD...
- Thành lập Ủy ban GD-ĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công tác đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam.
- Mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm đủ tầm cho phát triển GD.
Kiều Oanh (ghi)
-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét