Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia: 11.277 tỉ đồng

- Bảo tàng Hà Nội: Công trình “khủng” nhất, tai tiếng nhất
- Bảo tàng Hà Nội dột và ngập: Đơn vị thi công im lặng
- Hà Nội: Công trình nghìn tỷ lại dột, ngập
- Bảo tàng Hà Nội xuống cấp: Sự cố nước thấm, mẫu vật hư hại là có thật


Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Bạn thấy nó có hình cái gì???
-
TT Chủ Nhật, 09/09/2012, 08:39 (GMT+7)
TT - Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị thẩm định dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo công trình hoành tráng này đang thực hiện theo quy trình ngược

Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện. Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng hiện đại, có khoa học công nghệ tiên tiến với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, diện tích, tính chất và quy mô nội dung trưng bày hiện tại, đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước.

Dự án có bốn hạng mục chính gồm: tòa nhà chính; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời; hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan. Trong đó, tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, diện tích sàn xây dựng gần 90.000m2, chiều cao tối đa 32,5m. Tòa nhà này có một tầng hầm và sáu tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật vô cơ và hữu cơ qua các thời kỳ, thời đại; không gian để trưng bày, tái hiện lịch sử, chuyên đề, sưu tập...; trung tâm bảo quản và phục chế; khu khám phá sáng tạo; hội trường, các phòng hội họp, hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, tìm hiểu và giao lưu trao đổi kiến thức cộng đồng...
Khu tưởng niệm danh nhân có diện tích xây dựng khoảng 1.520m2, gồm nhà tưởng niệm đặt các tượng, danh sách tên danh nhân được tôn vinh và hiện vật của họ (nếu có).

Khu trưng bày ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc; không gian hoạt động văn hóa, trình diễn.

Ðịa điểm xây dựng bảo tàng được xác định tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong quy hoạch chi tiết xây dựng công viên Hữu nghị và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Chính phủ giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Chủ quản lý sử dụng và chủ đầu tư dự án thành phần (phần nội dung và hình thức trưng bày) là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ tháng 11-2012 đến tháng 5-2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7-2016.

T.PHÙNG

Bảo tàng Hà Nội: có vỏ mà chưa có ruột
Sau gần hai năm đưa vào sử dụng, Bảo tàng Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách tham quan. Các chuyên gia trong ngành bảo tàng cũng đã có nhận định: từ khi ra mắt đến nay, Bảo tàng Hà Nội mới chỉ “có vỏ mà chưa có ruột”.
Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: N.KHÁNH
Đáng lưu ý đây là công trình được đầu tư với số tiền “khổng lồ” khoảng 2.300 tỉ đồng, tọa lạc trên khu đất 5,4ha, với quy mô bốn tầng nổi, hai tầng hầm, kiến trúc hiện đại như kim tự tháp ngược, nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn đến tháng 7-2011, UBND TP Hà Nội đã phải kiểm điểm các đơn vị về sự cố thấm dột tại công trình này. 
Phòng họp tại Bảo tàng Hà Nội bị ngập nước (ảnh chụp ngày 8/8/2011). Ảnh do bạn đọc cung cấp
 Đa số người dân đến Bảo tàng Hà Nội tham quan đều có chung nhận định: hiện vật trưng bày tại bảo tàng còn đơn sơ, nghèo nàn, khó thu hút khách. Thậm chí từ khi mở cửa vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, cung cách và hiện vật trưng bày gần như không có gì thay đổi. Vẫn chỉ là những bộ sưu tập cá nhân và những hiện vật cũ bày từ tháng này qua tháng khác.
Điều đáng nói là mặc dù công trình này đã đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010 nhưng phải đến tháng 9-2011 TP Hà Nội mới phê duyệt được phương án trưng bày. Đáng lưu ý, theo lời ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Bảo tàng Hà Nội, việc sắp xếp, trưng bày các hiện vật phải đến năm 2014 mới có thể hoàn thành. Như vậy, Bảo tàng Hà Nội sẽ phải cần thêm ít nhất hai năm nữa mới có thể hoàn thành các nội dung trưng bày để sẵn sàng đón khách vào tham quan một công trình bảo tàng trọn vẹn cả về kiến trúc và hiện vật.
X.LONG - H.HƯƠNG
GS NGUYỄN VĂN HUY (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ủy viên hội đồng tư vấn khoa học cho ban quản lý xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia):
Tôi chưa thấy động tĩnh gì cả
Với quyết tâm chính trị rất cao của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là chuyện tất yếu. Nhưng điều làm tôi lo lắng là bảo tàng được vận hành như thế nào.
Bảo tàng Hà Nội với vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng xây dựng cho kịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giờ này vắng vẻ, xuống cấp đã là một bài học đau xót. Bảo tàng Hà Nội to quá, hoành tráng quá khiến hiện vật trưng bày lọt thỏm. Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn to hơn gần 5 lần (tính theo vốn đầu tư) thì vận hành nó còn phức tạp hơn bao nhiêu lần?
Chúng ta đã quyết xây một bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia, điều đó có thể đúng đắn nhưng còn bộ máy để vận hành nó, còn những con người cụ thể chúng ta đã tính hết chưa? Đã có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nhân lực tiếp quản cái cơ ngơi ấy như thế nào? Tôi chưa thấy động tĩnh gì cả.
Muốn làm một bảo tàng đúng nghĩa, bao giờ người ta cũng phải tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, rồi suy nghĩ và xây dựng phương án trưng bày, lên kịch bản trưng bày từ tổng thể đến chi tiết, đưa ra những phương án tiếp cận mới, chiến lược thu hút người xem... Nhưng hiện tại tôi chưa thấy ai làm việc đó cả. Bên xây chỉ lo xây, bên quản lý hiện vật chỉ lo sưu tầm và mua thêm hiện vật. Tất cả những động thái đó đều không phải là bản chất, là cốt lõi của công tác bảo tàng.
Một câu hỏi nữa mà các nhà chuyên môn chúng tôi muốn đặt ra: Vậy thì hai bảo tàng cũ (Bảo tàng Lịch sử quốc gia do Bảo tàng Cách Mạng và Bảo tàng Lịch sử sáp nhập lại) sẽ dùng để làm gì? Ví dụ muốn làm một bảo tàng cổ vật Đông Nam Á chẳng hạn thì phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ, để giữ lại những hiện vật nào, ai quản lý, ai chịu trách nhiệm. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồ sộ 13 tầng theo kế hoạch thì năm 2016 mới hoàn thành, nhưng từng chi tiết nhỏ nhất thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ rồi. Vậy mà với tư cách ủy viên hội đồng tư vấn khoa học, tôi chưa thấy có hoạt động chuyên môn nào khởi động cả. Nói thật là tôi lo lắng và sốt ruột lắm.
* TS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):
Chúng ta đang làm ngược lại
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chọn được phương án thiết kế mà ban giám khảo đánh giá là hoàn hảo nhất từ một cuộc thi kiến trúc quốc tế mở rộng cho tất cả các kiến trúc sư và công ty kiến trúc trong và ngoài nước từ năm năm trước (2007). Trong cùng khoảng thời gian đó, một cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra suốt gần hai tháng đối với 18 phương án thiết kế dự thi và ban tổ chức đã nhận được hơn 40.000 phiếu bình chọn.
Hai phương án cao phiếu bình chọn nhất cũng là hai phương án được ban giám khảo chấm giải cao nhất. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo tàng cũng đã được thành lập đến bốn năm nay rồi nên việc công bố xây dựng vào tháng 10-2012 chỉ là động thái mang tính nghi lễ cho một dự án rất lớn và thực tế đã được vận hành từ lâu.
Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời điểm này có lẽ sẽ vấp phải những phản ứng từ dư luận, nhưng thực tế là không có công trình văn hóa nào mà không tốn tiền, và không có công trình văn hóa nào trực tiếp làm ra tiền cả. Cho nên, nếu nói chuyện tiền thì sẽ chẳng bao giờ có bảo tàng hay nhà hát hay bất cứ thiết chế văn hóa nào hết. Tuy nhiên, cũng vì đụng đến chuyện tiền nên có những vấn đề thiết yếu cần phải được đặt ra, bàn và giám sát đến nơi đến chốn. Đó là bảo tàng sẽ được trang bị như thế nào, sẽ bày những gì trong đó, sẽ vận hành như thế nào?
Ở tất cả các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có một dây chuyền bảo tàng chuyên nghiệp rồi người ta mới tiến hành làm cái vỏ, có nghĩa là có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau (!).
Bảo tàng theo nghĩa hiện đại không phải là kho lưu trữ hiện vật khổng lồ mà là một thực thể sống có sự tham gia của toàn dân, nên ai cũng có quyền và nghĩa vụ đóng góp và giám sát. Nếu còn có cái gì có thể gọi là cơ hội sửa đổi trong dự án này thì chính là nội thất và nội dung trưng bày của bảo tàng.
THU HÀ ghi

----------------------------------------

Bảo tàng Hà Nội: Công trình “khủng” nhất, tai tiếng nhất

GiadinhNet Thứ bảy, 08/10/2011, 08:26(GMT+7) - Tổng vốn đầu tư xây dựng trên 2.000 tỷ đồng, gần 800 tỷ đồng cho chi phí đầu tư nội dung trưng bày...
Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình tiêu tiền "khủng" nhất trong số các công trình được gắn biển chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là công trình được nhắc tới nhiều nhất về sự lãng phí và xuống cấp.
Cứ mưa là dột
Phòng họp tại Bảo tàng Hà Nội bị ngập nước (ảnh chụp ngày 8/8/2011). Ảnh do bạn đọc cung cấp
Ngày 6/10, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ (đề nghị không nêu tên) thuộc bộ phận kỹ thuật thường trực tại Bảo tàng Hà Nội (Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội) nói: "Bây giờ nếu mưa to thì vẫn có nước vào các tầng hầm do bị hắt qua các khe thoát khí (các ô cửa lấy khí tươi vào các phòng máy). Chúng tôi đang đề nghị tư vấn thiết kế bổ sung thêm một số giải pháp để ngăn mưa hắt vào".
Theo cán bộ này, trong quá trình xây dựng và vận hành bảo tàng, mọi sự cố bất thường đều được khắc phục xử lý ngay. Việc thấm, dột đã được nhà đầu tư tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cụ thể và cũng đã khắc phục. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự cố nhỏ và nguyên nhân là do chưa có bộ phận vận hành nên mới để xảy ra các sự cố như trên.
Vị cán bộ này cũng cho biết, ngay từ khi bàn giao công trình (6/10/2010) bộ phận kỹ thuật đã đề nghị Bảo tàng Hà Nội tổ chức bộ máy vận hành nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa làm được. Ngoài ra, tất cả những vấn đề về kỹ thuật vận hành thiết bị máy móc tại bảo tàng vẫn do Vinaconex (nhà thầu xây dựng) chủ động làm, do bảo tàng vẫn chưa có bộ phận tiếp nhận quản lý máy móc thiết bị.
Mặc dù ở bộ phận kỹ thuật tại hiện trường, nhưng khi chúng tôi hỏi thông tin về việc ngập nước tại phòng họp ngày 8/8/2011 thì vị cán bộ này nói: "Tôi không nắm rõ, tôi sẽ tìm hiểu anh em xem. Đúng là bộ phận kỹ thuật hiện trường thì ở Bảo tàng nhưng không phải lúc nào tôi cũng trực, có những lúc chúng tôi đi tập huấn không có nhà chẳng hạn". Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị được xem phòng họp nhỏ, nơi có hư hỏng thì được biết không có chìa khóa mở cửa phòng.
Cũng vẫn câu hỏi về việc phòng họp bị ngập nước ngày 8/8/2011, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, vẫn chưa chính thức nhận bàn giao công trình và kỹ thuật xây dựng cũng không biết. Và cũng như những lần tiếp xúc trước đó, ông Hùng "chuyền bóng" sang bộ phận khác: "Tốt nhất các anh hỏi Ban dự án, họ có phòng thường trực đặt tại Bảo tàng,  sang đó cho thông tin chính thống".
Sau 9 năm mới có thể "bày"
Ngay sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có nhiều ý kiến về việc lãng phí của công trình Bảo tàng Hà Nội. Ngay người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc) cũng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội là một sự lãng phí bởi Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết như nhà ở cho người thu nhập thấp, hệ thống giao thông... cấp bách hơn nhiều.
Trên thực tế thì sự lãng phí của Bảo tàng Hà Nội cũng được thể hiện rất rõ khi sau gần 1 năm khánh thành mới có quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày của UBND thành phố (ngày 9/9/2011). Theo quyết định trên, thời gian từ khi chuẩn bị đến khi thiết kế thi công hoàn chỉnh phần nội dung trưng bày mất đúng 9 năm. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị từ tháng 5/2005 đến 1/2010, giai đoạn thiết kế và thi công từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2014.
Việc chưa có được thiết kế tổng thể nội dung trưng bày nên từ sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, tại nhiều khu trưng bày của Bảo tàng Hà Nội luôn trong tình cảnh "vườn không nhà trống", không có hiện vật trưng bày và số lượng người tham quan thưa thớt. Tại khu trưng bày ngoài trời còn nghèo nàn hơn, ngoài những chậu hoa cây cảnh trang trí chỉ có chiếc xe tăng...
Nói về việc trưng bày, ông Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận phải nỗ lực lắm thì năm 2014 mới hoàn thành theo như phê duyệt, bởi sau phê duyệt tổng thể, quản lý dự án mới tổ chức mời thầu thiết kế chi tiết và sau đó mới thi công... Ông Hùng cũng cho rằng, đã qua Đại lễ nên không còn "căng thẳng về tiến độ nữa nên cứ theo trình tự để làm".
Diễn biến sự xuống cấp Bảo tàng Hà Nội
Ngày 19/5/2008, khởi công xây dựng Bảo tàng Hà Nội.
Ngày 6/10/2010, công trình được khánh thành và gắn biển chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 11/5/2011, Báo GĐ&XH đăng bài phản ánh tình trạng xuống cấp.
Ngày 17/5/2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc giao Sở VH, TT&DL kiểm tra, xử lý giải quyết vấn đề Báo GĐ&XH nêu.
Ngày 7/6/2011, Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban báo chí về công trình Bảo tàng Hà Nội. Tại cuộc giao ban, những đơn vị liên quan thừa nhận thông tin Báo GĐ&XH nêu là đúng.
Ngày 4/7/2011, Báo GĐ&XH tiếp tục thông tin hiện tượng ngập nước tại tầng hầm.
Ngày 14/7, tại phiên chất vấn (kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XIV), đại biểu Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) đã đề nghị cần làm rõ trách nhiệm về sự xuống cấp của 2 công trình đại lễ là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình…
Võ Hải

-------------------------

-

Bảo tàng Hà Nội dột và ngập: Đơn vị thi công im lặng

GiadinhNet Thứ sáu, 08/07/2011, 08:24(GMT+7) - Bảo tàng Hà Nội bị ngập, dột đã được Báo GĐ&XH hai lần phản ánh.
Ngày 7/7, Ban Quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội một lần nữa cho biết nguyên nhân chính khiến tầng âm bị ngập nước là do hệ thống làm mát của máy điều hòa nhiệt độ trong bảo tàng đọng nước rồi chảy xuống sàn. Đây là lỗi kỹ thuật xây dựng thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công.
Được biết, đơn vị trúng thầu thi công công trình trị giá hơn 2.000 tỷ đồng này là Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi đã đề nghị Công ty này trả lời nhưng họ vẫn "im lặng".
Về phía Ban Quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, ông Đồng Huyền Ngọc, Trưởng Ban cho biết, đã yêu cầu Vianaconex phải khắc phục sự cố trên và dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2011.
Xin lưu ý thêm rằng, sau khi bị phản ánh có nhiều hư hỏng, lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội đã lên tiếng tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội hôm 7/6 cho biết, các sự cố đã được khắc phục.
Liên quan đến sự việc này, ngày 7/7, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách thuộc HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua báo chí, HĐND đã nắm được thông tin về một số công trình 1.000 năm có hiện tượng xuống cấp. HĐND sẽ yêu cầu thành phố kiểm tra và báo cáo.
Quốc Hưng
--------------------
-

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ lại dột, ngập

GiadinhNet -Thứ hai, 04/07/2011, 11:35(GMT+7 - Chỉ với vài cơn mưa người ta lại thấy công trình nghìn tỷ này tiếp tục bị xuống cấp trầm trọng.
Báo GĐ&XH từng thông tin về việc Bảo tàng Hà Nội bị xuống cấp, sự việc cũng đã được thành phố thừa nhận. Những tưởng công trình này sẽ được sửa chữa hay gia cố thì mới đây, chỉ với vài cơn mưa người ta lại thấy công trình nghìn tỷ này tiếp tục bị xuống cấp trầm trọng.
Dột từ trên xuống dưới
Nước lênh láng khắp sàn của tầng 1 và tầng âm 2 của Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Q.H
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội sau hơn 2 năm xây dựng (khởi công tháng 5/2008), tổng vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng. Bảo tàng Hà Nội gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Công trình được thiết kế 3 thang máy, 4 thang bộ (đi vòng tròn phía trong bảo tàng). 2 tầng hầm được bố trí phòng họp và các phòng kỹ thuật.
Tại sảnh chính của Bảo tàng Hà Nội, khu lưu không dành cho khách tham quan, mỗi khi trời có mưa, nước từ mái tầng 5 đổ thẳng xuống sàn tầng 1. Một lao công cho hay: "Nước chảy nhiều đến mức chúng tôi phải dùng giẻ để thấm nhưng vẫn không xuể, thậm chí phải lấy xô hứng nước, dùng hót rác tát nước".
Tầng 4 của bảo tàng có hàng chục vị trí dột. Những ngày có mưa lớn, nước chảy từ mái rồi men theo tường đổ thẳng xuống sàn nhà, bên cạnh đó là vô vàn những tia nước khác dội trực tiếp từ mái xuống như thể trần nhà bị thủng. Theo các lao công đang làm việc tại đây, tầng 4 bị dột từ khu vệ sinh đến khu trưng bày, ngay cả khu vực kê ghế cho khách tham quan ngồi nghỉ cũng bị dột. Trần của khu trưng bày “Hà Nội Xưa và Nay” đang bị ôxy hoá, han gỉ do nước mưa ăn mòn. Còn dưới chân tường nhiều khu vực đã bị mốc xanh nham nhở do nước mưa ngấm vào lâu ngày. Sàn nhà, phần đá ốp đã bị phủ trắng do cặn của nước mưa bám vào. Mỗi khi trời mưa to, các lao công chỉ có cách duy nhất là chuẩn bị xô, chậu để hứng và tát nước tràn vào...
Không chỉ các tầng nổi của Bảo tàng Hà Nội đang bị dột, tầng âm cũng luôn trong tình trạng nước ngập lênh láng.
Ngày 30/6, thời tiết Hà Nội rất khô ráo. Có mặt tại tầng âm số 1 của Bảo tàng Hà Nội, khu vực chứa thiết bị điện và máy lạnh của cả toà nhà, chúng tôi chứng kiến cả một diện tích lớn vẫn đang trong tình trạng lênh láng nước. Nước từ bên ngoài ngấm qua tường, rồi tràn vào bên trong tầng âm 1. Trên tường vẫn còn đó những vết đục khoét nham nhở, ximăng vá tạm nhưng vẫn không xoá hết được vệt nước để lại.
Lãnh đạo quả quyết "không dột"
Mặc dù việc dột, ngấm diễn ra khá trầm trọng nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội lại khăng khăng quả quyết: "Làm gì có chuyện Bảo tàng Hà Nội bị dột, chẳng qua là do chúng tôi quên đóng cửa khu thông gió nằm trên sân thượng. Giờ thì mỗi khi trời có mưa, chúng tôi đã cảnh giác cao với khu thông gió này rồi".
Mới nói đến thế, không kịp để chúng tôi hỏi thêm, ông Hùng đã "chuyển" chúng tôi cho ông Đặng Minh Vệ, Trưởng phòng Kỹ thuật Bảo tàng Hà Nội. Khi đưa chúng tôi đi "thị sát", ông Vệ liên tục giải thích: "Bảo tàng Hà Nội đang trong giai đoạn bảo hành nên mọi sự cố xảy ra, các nhà thầu đều phải chịu trách nhiệm. Còn đội ngũ cán bộ đang làm việc trong bảo tàng chỉ là đơn vị tiếp nhận".
Tại tầng âm thứ 2, khu vực chứa thiết bị điện của bảo tàng sàn nhà bị ngập nước còn kinh khủng hơn cả bên tầng âm số 1. Chúng tôi phải liên tục kiễng chân qua nhiều khu sàn bị ngập nước để đi hết tầng âm này. Nước ngập đến mức tràn qua cả gầm của những thiết bị điện. Có điều lạ là nước ngập như vậy nhưng ông Vệ vẫn quả quyết: "Có ngập nước đâu anh. Nếu ngập thì có mà các thiết bị máy móc ở đây ngừng hoạt động hết...".
Như vậy, dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng Bảo tàng Hà Nội đã liên tục gặp sự cố. Cách đây khoảng 2 tháng, tại Bảo tàng đã có hiện tượng gạch lát nền bị vỡ, nước đọng trên trần nhà. Khi tới thực địa chúng tôi đã dễ dàng nhận thấy ngay lối lên cầu thang ngay tầng 1, gạch lát bị vỡ vụn, lộ cả lớp cát lót, còn trên trần nhà có vết nước đọng. Thậm chí nơi ngồi của lễ tân bảo tàng, nước từ trần nhà bị ứ đọng rơi xuống bàn. Khu vực bán hàng giải khát (tầng 1) cũng có hiện tượng tương tự. Tất cả các hiện tượng này đã được chúng tôi phản ánh trên báo. Ngày 10/5, bà Nguyễn Kim Loan - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, một mặt thừa nhận những hiện tượng hỏng hóc trên, mặt khác giải thích rằng, do cửa chớp các tầng trên chưa đóng gây nên nước mưa đã chảy từ mái nhà xuống, bộ phận kỹ thuật của bảo tàng đã đi kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố này.
Sau đó, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ, một vị đại diện Ban quản lý Bảo tàng Hà Nội cho biết lỗi thấm, dột là do van vệ sinh nước bị rò rỉ và đã được xử lý.
Nếu căn cứ vào những điều các vị này nói thì hẳn việc thấm, dột cho đến nay đã không thể xảy ra (vậy nhưng trên thực tế nó vẫn xảy ra).
Chúng tôi định đem những băn khoăn quay lại hỏi ông Hùng thì thật không may, ông đã đóng cửa về từ bao giờ!
Đã "giải quyết" sao vẫn dột?
Vào ngày 11/5/2011Báo GĐ&XH đã có bài phản ánh về việc Bảo tàng Hà Nội xuống cấp. Ngày 7/6, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Ban quản lý Dự án Bảo tàng Hà Nội đã thừa nhận những thông tin về việc bong rộp, thấm nước trong phòng kỹ thuật và mẫu vật hư hại tại Bảo tàng Hà Nội là chính xác.Với sự cố thấm nước ở phòng kỹ thuật, vị đại diện Ban QLDA Bảo tàng Hà Nội cho biết đó là do một van nước trong phòng vệ sinh tầng 2 bị rò rỉ dẫn tới việc nước bị thấm xuống sàn phòng kỹ thuật và làm hộp điện bị ẩm. Nhà đầu tư Vinaconex cùng Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp giải quyết và hiện tượng nước chảy tràn ra các phòng kỹ thuật đã không còn.
Quốc Hưng

----------------

-

Bảo tàng Hà Nội xuống cấp: Sự cố nước thấm, mẫu vật hư hại là có thật

GiadinhNet Thứ tư, 08/06/2011, 08:24(GMT+7) - Ngày 7/6, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Ban quản lý Dự án Bảo tàng Hà Nội và Giám đốc Bảo tàng Hà Nội đã thừa nhận những thông tin về việc bong rộp, thấm nước trong phòng kỹ thuật và mẫu vật hư hại tại bảo tàng Hà Nội, là chính xác.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - thông tin về mẫu vật chim xả đầu đen bị xuống cấp là có thật.
Theo ông Hùng, nguyên nhân là do vào thời điểm đó (khoảng tháng 2- 3), thời tiết có độ ẩm cao tạo nấm mốc gây hư hại hiện vật, tuy nhiên việc này đã được phát hiện và xử lý kịp thời vào tháng 3/2011.
Cũng từ tháng 3/2011, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Viện Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để kiểm tra, bảo quản thường xuyên đối với toàn bộ hiện vật thuộc chủ đề thiên nhiên đang lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng.
Mẫu vật chim xả đầu đen tại Bảo tàng Hà Nội bị rụng lông tơi tả (Ảnh do bạn đọc cung cấp).
Về sự cố thấm nước vào phòng kỹ thuật, Trưởng Ban QLDA Bảo tàng Hà Nội cho rằng một van nước trong phòng vệ sinh tầng 2 bị rò rỉ dẫn tới việc có nước thấm xuống sàn phòng kỹ thuật và làm hộp điện bị ẩm. Nhà đầu tư Vinaconex và Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp để giải quyết và hiện nay hiện tượng nước chảy tràn ra các phòng kỹ thuật đã không còn. Sự cố bong rộp lối lên cầu thang, tràn nước ở hố thang máy công trình, nước mưa chảy từ mái nhà xuống, nước đọng trần nhà... cũng được Ban QLDA thừa nhận và đưa ra lời giải thích.
Trước đó, Báo GĐ&XH số ra ngày 11/5 có đăng bài "Bảo tàng Hà Nội xuống cấp", phản ánh một số hiện tượng xuống cấp tại công trình này như nêu trên.
Ngày 17/5, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kiểm tra, xử lý giải quyết vấn đề Báo GĐ&XH nêu (nếu có) theo quy định; Có văn bản hồi âm trả lời Báo GĐ&XH để thông tin tới bạn đọc; Báo cáo kết quả thực hiện với UBND thành phố. Tuy nhiên, đến ngày 7/6 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vẫn chưa có công văn hồi âm trả lời Báo GĐ&XH.
V. Hải
--------------------
-

Bảo tàng Hà Nội xuống cấp

GiadinhNet Thứ tư, 11/05/2011, 08:10(GMT+7)- Công trình nghìn tỷ này đang đối mặt với những biểu hiện xuống cấp chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng.
Sau những thông tin trái chiều về sự lãng phí của Bảo tàng Hà Nội do không sử dụng hết diện tích trưng bày hiện vật, công trình nghìn tỷ này lại đang đối mặt với những biểu hiện xuống cấp chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng.
Mẫu vật chim xả đầu đen bị rụng lông tơi tả (Ảnh do bạn đọc
 cung cấp).
Trần dột và phòng kỹ thuật lênh láng nước
Từ thông tin cho biết, tại Bảo tàng Hà Nội có hiện tượng gạch lát nền bị vỡ, xuất hiện nước đọng tại trần nhà... PV Báo GĐ&XH đã tới đây tìm hiểu. Theo quan sát của chúng tôi, lối lên cầu thang ngay tầng 1 xuất hiện một tấm thảm cao su, mặc dù toàn bộ diện tích cầu thang của cả 4 tầng đều không trải thảm. Lật tấm thảm lên, dưới đó là gạch lát nền đã bị vỡ vụn, lộ cả lớp cát lót.
Chưa hết, cũng ngay ở tầng 1 có rất nhiều vết nước đọng trên trần nhà. Cụ thể, nơi ngồi của lễ tân bảo tàng (điểm liên hệ đăng ký thuyết minh), nước từ trần nhà bị ứ đọng và rơi xuống bàn. Khu vực bán giải khát (vẫn nằm trong khuôn viên của tầng 1) cũng có hiện tượng tương tự. Theo nguồn tin của chúng tôi, nhiều hạng mục của công trình đã bị hư hại do ngập nước.
Trao đổi với chúng tôi ngày 10/5, bà Nguyễn Kim Loan - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - thừa nhận có những hiện tượng hỏng hóc như trên. Trả lời câu hỏi trước thông tin chỉ mấy ngày sau khi được khánh thành, khu vực thang máy tầng âm (tầng ngầm) của bảo tàng đã rơi vào cảnh ngập nước do trời mưa, bà Loan cho biết chưa được nghe thông tin đó và việc phụ trách khu vực tầng hầm thuộc trách nhiệm của một phó giám đốc khác.
Tuy nhiên, bà Loan cho biết thêm, khi công trình mới đưa vào sử dụng, có việc nước mưa chảy từ mái nhà xuống, sau đó bộ phận kỹ thuật của bảo tàng có đi kiểm tra và phát hiện cửa chớp chưa được đóng gây nên hiện tượng trên.
Theo bà Loan, sự cố lớn nhất được phát hiện là việc nước chảy lênh láng trong phòng kỹ thuật tại tầng 1 của bảo tàng. “Do lo ngại xảy ra sự cố chập điện gây cháy nổ (phòng kỹ thuật của bảo tàng là nơi có rất nhiều thiết bị điện) và điện giật gây nguy hiểm tính mạng con người nên hiện tại phòng kỹ thuật trên đã được đóng cửa”, bà Loan nói.
Theo báo cáo của Trưởng phòng kỹ thuật bảo tàng thì nguyên nhân sự cố trên bước đầu được xác định có thể do việc chống thấm không tốt hoặt vỡ đường ống nước. “Việc nước chảy tràn ra tại phòng kỹ thuật đã tồn tại từ nhiều tháng nay, bảo tàng đã có văn bản gửi sang nhà thầu Vinaconex yêu cầu khắc phục nhưng vẫn chưa có hồi âm”, bà Loan thông tin.
Mẫu vật hư hại, đóng cửa sớm
Sáng Chủ nhật (8/5), mặc dù là ngày nghỉ nhưng khách thăm quan bảo tàng rất thưa thớt. Các khu vực trưng bày hiện vật chỉ lác đác vài khách thăm quan. Gần như toàn bộ các tủ trưng bày hiện vật tại tầng 4 của bảo tàng đang để trống.
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội sau hơn 2 năm xây dựng (khởi công tháng 5/2008), tổng vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng. Bảo tàng Hà Nội gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Công trình được thiết kế 3 thang máy, 4 thang bộ (đi vòng tròn phía trong bảo tàng). 2 tầng hầm được bố trí phòng họp và các phòng kỹ thuật.
Không biết có phải do quá ít khách thăm quan hay không mà chưa đến 11 giờ, khu vực trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử đã bị đóng cửa (theo quy định của bảo tàng, giờ đóng cửa là 11h30). Không lâu sau đó, cũng trong khu vực trưng bày của nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử, chúng tôi đã chứng kiến một người đàn ông to tiếng phê bình việc các nhân viên cho đóng cửa sớm khu trưng bày này. Khách thăm quan tỏ ra bất ngờ và khó hiểu về việc đóng cửa sớm và sự to tiếng quá mức của người đàn ông trên.
Một bạn đọc của Báo GĐ&XH tới thăm quan bảo tàng đã ghi lại được hình ảnh một mẫu vật (Chim xả đầu đen) đang trưng bày bị xuống cấp nghiêm trọng. Về sự việc trên, bà Nguyễn Kim Loan cũng thừa nhận là chính xác. Nguyên nhân của việc hỏng mẫu vật, bà Loan cho rằng có thể do tủ trưng bày không đảm bảo (mẫu vật được đặt trong tủ trưng bày đã hút hết chân không) hoặc do việc ngâm tẩm chưa tốt.
Trước đó (ngày 28/4), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã ký quyết định số 423/QĐ-BXD về việc thanh tra một số dự án kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội, trong đó có Bảo tàng Hà Nội. Theo đó, đoàn thanh tra có nhiệm vụ làm rõ việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế, chính sách để kiến nghị bổ sung sửa đổi và có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Võ Hải

-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét