Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nghệ thuật "sao chép" làm tăng hiệu ứng fan cuồng


Nghệ thuật "sao chép" làm tăng hiệu ứng fan cuồng

05-12-2012 | 08:16
(Nguoiduatin.vn) - Trước hiện tượng giới trẻ đam mê yêu thích phim, ca nhạc Hàn Quốc một cách "mông muội", nhiều chuyên gia cho rằng, chính cách làm nghệ thuật của không ít những nghệ sĩ trong nước hiện nay đã tiếp tay đẩy vấn nạn này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều người còn tạo ra mối quan hệ tưởng tượng với thần tượng vì sự xuất hiện liên tục của họ trên truyền thông tạo cảm giác thần tượng đang nói chuyện trực tiếp với họ.

Không khó để chúng ta nhận thấy rằng, hiện nay những nghệ sĩ thiếu tài năng nhưng đầy tham vọng của nước ta ngày đêm tìm đủ trăm phương ngàn kế làm cho hình ảnh của mình giống hệt các ngôi sao Hàn Quốc. Họ sẵn sàng bỏ cả núi tiền, chủ động sang tận xứ sở Kim Chi để "gọt đẽo" lại mình. Bất chấp đau đớn về thể xác miễn được ngoại hình như ý muốn. Nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận cắt, xẻ, đập, nối làm sao có đôi môi, cặp mắt, mái tóc, vóc dáng y hệt những ngôi sao Hàn Quốc.
Không dừng lại ở đó, sau khi có một bản "copy" về ngoại hình, những nghệ sĩ này bước vào một đợt tập duyệt gian khổ để việc đi đứng, cười nói, trình diễn "giống... y bản chính". Đằng sau những "nghệ sĩ" này là cả một ê kíp hùng hậu, trang điểm, dàn dựng chương trình, quảng cáo làm trợ thủ đắc lực. Còn phải kể đến những đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên, nhà đài dùng mọi phương kế để "copy" nhạc Hàn lời Việt, mua kịch bản phim Hàn về Việt hoá, chiếu phim trên các giờ vàng...
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính trào lưu "Hàn Quốc hóa" của những người làm nghệ thuật Việt Nam đã khiến cho giới trẻ lệch chuẩn về nhận thức thẩm mỹ mà hiện tượng "fan cuồng" là đỉnh điểm của sự lệch chuẩn này.
TS Tâm lý học Trịnh Trung Hòa cho rằng, người làm nghệ thuật Việt Nam cần phải thẳng thắn nhìn nhận mình lại mình. Du nhập văn hoá ngoại vào Việt Nam nói chung và Hàn Quốc nói riêng phải có chọn lọc. Làm nghệ thuật phải có phong cách riêng, phải đặt vấn bản sắc văn hoá Việt lên hàng đầu.
Nhập khẩu nghệ thuật một cách tràn lan, thiếu ý thức hoặc cố tình nhại theo kiểu "mì ăn liền", chỉ biết chạy theo thị hiếu trước mắt vô hình trung đẩy giới trẻ tới chỗ ngộ nhận về giá trị thẩm mỹ, lối sống.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, nguyên nhân của vấn nạn "fan cuồng" một phần bắt nguồn việc chúng ta thiếu những tác phẩm nghệ thuật đủ sức cạnh tranh ngang bằng với những sản phẩm du nhập từ bên ngoài. Phải có những đột phá mới về nghề nghiệp để cạnh tranh sòng phẳng qua đó định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về nghệ thuật cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp khi mà việc các kênh truyền hình Việt Nam có dung lượng phát sóng phim ảnh, ca nhạc Hàn Quốc quá nhiều khiến giới trẻ ngộ nhận đó là  chuẩn mực của nghệ thuật.
Hai chuyên gia này cùng có quan điểm, cần có sự bắt tay của cả xã hội nhằm hạn chế trước xu hướng lệch chuẩn về nhận thức thẩm mỹ và đạo đức của giới trẻ hiện nay. Đây không đơn thuần là việc thích hay không thích một ai đó của giới trẻ mà là một biểu hiện của sự lệch chuẩn đáng báo động trong đời sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
 Nghệ sĩ cũng cần phải được giáo dục lại
Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra quan điểm: Nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm đối với bản thân và công chúng. Việc khai thác triệt để thị hiếu của giới trẻ để kiếm tiền mà bất chấp hậu họa của nó mang đến không khác gì tội ác. Vị TS này khẳng định: "Một số nghệ sĩ Việt, đặc biệt nghệ sĩ trẻ cần phải được giáo dục lại. Họ phải hiểu rằng, thế nào là một nghệ sĩ chân chính, thế nào là văn hoá. Bản thân những ca sĩ kiểu này cần được huấn luyện lại về mặt chuyên môn cũng như nhận thức về nghề. Không thể để họ tự tung tự tác muốn gì làm nấy. Chúng ta không thể bình thản trước hiện tượng "fan cuồng" bởi về lâu dài nó sẽ trở thành thảm họa".
Anh Văn - Như Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét