Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Giật mình trước cơn bão "cuồng" thần tượng của giới trẻ Việt


để có cơ hội được xem SUJU biểu diễn, rất nhiều bạn trẻ đã thể hiện công khai trên mạng rằng: "Em sẵn sàng bán thân để có được tấm vé vào xem Super Junior", "Gia đình là số 0, Super Junior là số 1". Rồi trong đêm SUJU ra mắt, trên sân khấu, ca sỹ cứ hát, phía dưới xe cứu thương cứ liên tục hú còi, lực lượng bảo vệ thì thay phiên nhau đưa các fan bị ngất vào bệnh viện

Giật mình trước cơn bão "cuồng" thần tượng của giới trẻ Việt


Trong con mắt của một bộ phận giới trẻ, thần tượng bỗng dưng biến thành thiên tài, được tung hô như thần thánh, fan sẵn sàng hi sinh cả văn hóa, thậm chí liêm sỉ của bản thân để bảo vệ thần tượng.
Đau xót khi coi mẹ phù du... SUJU là nhất?
Hiện tượng các fan biểu hiện sự hâm mộ thái quá đối với các thần tượng, đặc biệt là các ngôi sao đến từ Hàn Quốc không còn là một điều lạ ở nước ta vài năm gần đây. Thậm chí, mỗi khi sao Hàn đến Việt Nam ban tổ chức cũng "giàn trận" để ứng phó với những hệ lụy xấu có thể xảy ra khi một số bạn trẻ bỗng nhiên không kiềm chế được cảm xúc có những hành động vượt quá mức độ cho phép. Tại Đại nhạc hội Kpop Festival (đêm 29/11), ban tổ chức phải huy động 2.000 người nhằm đảm bảo an toàn cho chương trình.
Không những thế, những người cầm cân nảy mực còn quyết định mua bảo hiểm cho 50.000 khán giả tới sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) xem chương trình. Đây là việc chưa từng có tiền lệ tại bất cứ show diễn ở Việt Nam. Điều này mới thấy được một thực tế, "fan cuồng" trở thành mối đe doạ, gánh nặng cho những nhà tổ chức nghệ thuật.

Ảnh “fan cuồng” khi đón các ca sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam


Sự biểu hiện của "fan cuồng" thể hiện bên ngoài theo hình thức khác nhau. Nhẹ thì khóc lóc thảm thiết, nặng thì bất chấp tất cả, thậm chí đánh đổi cả giá trị bản thân mong có được dịp nhìn thấy hình ảnh của thần tượng bằng xương bằng thịt. Đơn cử, trong trong chương trình gặp gỡ ngôi sao Hàn Quốc Kim Jae Joong tại TP.HCM mới đây, các fan đã bỏ ra tới gần 3 triệu đồng để mua vé chỉ để xem thần tượng của mình hát vài bài và giao lưu trong gần 2 tiếng.
Những người có mặt tại sự kiện hôm đó phải lắc đầu ngao ngán bởi buổi diễn không có gì đặc sắc. Thế nhưng, nó vẫn đủ hút 4.000 bạn trẻ tham gia. Điều choáng váng hơn, sau màn giao lưu của ca sĩ xứ Hàn là đến lượt các fan Việt ôm nhau khóc như mưa. Họ khóc vì sung sướng, vì lần đầu tiên có cơ hội nhìn thấy thần tượng ngoài màn ảnh, dù chỉ mờ mờ ảo ảo.
Tuy nhiên, để nói đến hiện tượng "fan cuồng" phải kể đến sự kiện nhóm nhạc Super Junior (SUJU) đến Việt Nam biểu diễn trong chương trình MTV EXIT 2010 và Big Bang trong chương trình SoundFest 2012. Vừa đặt chân tới sân bay, SUJU đã phải đối mặt với một đám đông đang gào thét, la hét và điên loạn.
Thậm chí, để có cơ hội được xem SUJU biểu diễn, rất nhiều bạn trẻ đã thể hiện công khai trên mạng rằng: "Em sẵn sàng bán thân để có được tấm vé vào xem Super Junior", "Gia đình là số 0, Super Junior là số 1". Rồi trong đêm SUJU ra mắt, trên sân khấu, ca sỹ cứ hát, phía dưới xe cứu thương cứ liên tục hú còi, lực lượng bảo vệ thì thay phiên nhau đưa các fan bị ngất vào bệnh viện.
Trên đây chỉ là phần rất nhỏ những biểu hiện đáng ngại từ các "fan cuồng". Chị Trần Hạnh Tâm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng tâm sự, hàng ngày chị phải chứng kiến cảnh con mình mới 16 tuổi dán mắt lên các kênh truyền hình chiếu phim, nhạc Hàn Quốc. Điều đáng lo ngại, cháu càng ngày càng không thích tiếp xúc và nói chuyện với bố mẹ. "Nhiều lúc chúng tôi đi làm về cháu không thèm chào hỏi, bố mẹ ốm đau không một lời hỏi thăm. Ấy vậy mà một nhân vật trên phim lâm vào cảnh éo le thì cháu khóc nức nở", chị Tâm chua chát.
Trường hợp con gái chị Tâm không hề hiếm gặp. Đáng báo động hơn, một số bạn trẻ bị bố mẹ cấm đoán không cho xem phim và nhạc Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách bỏ ăn, giả ốm, thậm chí lên mạng chửi bới bố mẹ không thương tiếc. Chúng tôi xin trích lại một đoạn của một bạn trẻ thể hiện tâm trạng của mình khi bị bố mẹ ngăn cấm: "Ông bà là cái thá gì mà ngăn cản tôi yêu các anh? Tôi treo ảnh trong phòng ai cho ông bà có quyền gỡ, đốt bỏ? Thật quá đáng! Ông bà cho rằng là bố mẹ tôi thì có quyền thóa mạ hả...".
Không ít trường hợp, để chữa bệnh "fan cuồng" của con, nhiều gia đình đã nghĩ ra những kế sách chưa từng có. Từ việc đuổi ra khỏi nhà, đập nát tivi, cắt đứt dây mạng, đến nhốt trong phòng... Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn được việc con cái mình mê mẩn nhân vật trên phim ảnh mà quên đi đời sống hiện tại.
"Căn bệnh" khó chữa
Nhà văn Lã Thế Khanh cho biết, việc biểu hiện sự ái mộ đối với thần tượng là tâm lý bình thường của các bạn trẻ. Bởi, trong giai đoạn hình thành nhân cách, các em thường tìm cho mình một hình mẫu để học tập, noi theo. Người Việt Nam luôn coi những anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá, các nhân thần, nhà giáo, nghệ sĩ... là những tấm gương để hướng tới và noi theo.
Cũng theo nhà văn Lã Thế Khanh, những kiểu ái mộ như vậy là biểu hiện của sự lệch chuẩn về đạo đức, thiếu tôn trọng bản thân và gia đình. Thậm chí, đánh mất sĩ diện bản thân, hình ảnh quốc gia để đeo đuổi một hình tượng giải trí bình thường. Kiểu hành xử như trên bắt nguồn từ tâm lý muốn thể hiện bản thân của các bạn trẻ, tuy nhiên đây là cách biểu hiện tiêu cực cần được uốn nắn.

Lý giải cho căn nguyên của "căn bệnh" này, nhà văn này cho biết, biểu hiện như trên có phần bắt nguồn từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. "Chúng ta cần phải định hướng rõ ràng để các em nhận thức được đâu là thần tượng đích thực, đâu là tấm gương sống để noi theo. Những ngôi sao Hàn Quốc họ mang phong cách và văn hoá của đất nước họ, trong khi họ chỉ là những ngôi sao giải trí đơn thuần. Việc sống chết để đeo đuổi học tập theo phong cách ca sĩ này thực sự  không nên. Người Việt Nam cần phải biết tôn trọng và phát huy giá trị Việt", ông Khanh nói thêm.
Đồng quan điểm, TS tâm lý học Trịnh Trung Hoà cho rằng, những người trẻ thường chọn cho mình một hình mẫu để phấn đấu và học tập. Tuy nhiên, hiện tượng "fan cuồng" là biểu hiện tiêu cực trong tâm lý của các em. Để đối phó với hiện tượng này, các phụ huynh phải biết kiên trì, gần gũi và uốn nắn dần dần. Ngoài ra nhà trường và xã hội cũng cần có biện pháp tích cực nhằm phối hợp để định hướng nhận thức về thẩm mỹ và đạo đức đối với các em.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội tâm lý Giáo dục Hà Nội kiến nghị: "Chúng ta cần phải uốn nắn cho các bạn trẻ thế nào là thần tượng và cách thể hiện tình cảm của mình đối với thần tượng như thế nào phù hợp. Việc này nên đưa vào các chương trình ngoại khoá tại các trường học để các em tự tranh luận, trao đổi với nhau. Những bạn trẻ có nhận thức tốt về vấn đề này sẽ là những người có tác động tích cực đến những em có biểu hiện như trên".
Các chuyên gia đều đồng quan điểm cần giáo dục các bạn trẻ giá trị Việt để các em nhận thức đúng, học tập và noi theo. Người Việt Nam không thiếu những hình tượng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực khác nhau để làm hình mẫu cho các em học tập.
Theo Đời Sống & Pháp Luật 03/12/2012

http://docbao.vn/News.aspx?cid=64&id=160001&d=04122012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét