Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

HSBC: 'Điều kiện kinh doanh Việt Nam tiếp tục xấu đi'

VNE, Thứ hai, 1/10/2012, 15:30 GMT+7

Tồn kho vẫn ở mức cao, số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm với tốc độ lớn nhất nhiều tháng qua, khiến bức tranh chung về môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thể sáng hơn, theo nhận định của HSBC.
>'Kinh tế có thể dần phục hồi từ quý IV'
Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) hôm nay công bố chỉ số PMI ngành sản xuất dành cho thị trường Việt Nam tháng 9. Theo đó, chỉ số này tăng từ mức 47,9 điểm tháng trước lên 49,2 điểm, cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Nhưng HSBC nhận định các điều kiện hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục xấu thêm.

Theo tính toán của HSBC, một chỉ số trên 50 điểm cho thấy mức tăng tổng thể, hay nói cách khác là biểu hiện tích cực trong hoạt động sản xuất cũng như điều kiện kinh doanh. Ngược lại, PMI dưới 50 điểm cho thấy mức giảm tổng thể, hay là các điều kiện vĩ mô kém lạc quan.
Chỉ số PMI trong tháng 9 đã đạt mức cao trong năm tháng gần đây là 49,2 điểm so với mức 47,9 điểm của tháng trước.
Dữ liệu chỉ ra rằng, sản lượng sản xuất chỉ có thay đổi nhỏ so với tháng trước sau khi đã giảm mạnh một tháng trước đó. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm trong tháng 9, và đa số những người tham gia khảo sát cho rằng do tình trạng nhu cầu thị trường trong nước yếu đi.
Số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng được ghi nhận là giảm mạnh nhất từ lúc bắt đầu khảo sát đến nay. Sau khi điều chỉnh biến động mùa vụ, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới đạt dưới mức trung bình 50 điểm. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho rằng nhu cầu toàn cầu yếu kém dẫn đến việc lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 9 cũng giảm theo.
Lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng cuối cùng của quý III. Chỉ số việc làm được điều chỉnh theo mùa ở dưới mức trung bình 50 điểm báo hiệu sự giảm sút trong cả bốn tháng qua. Những số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy tình trạng nghỉ việc phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới thấp hơn. Tuy nhiên, tốc độ nghỉ việc là khá thấp so với đa số thành viên tham gia khảo sát (khoảng 66%) cho biết không có thay đổi so với tháng trước.
Chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất hàng hóa đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ lạm phát được ghi nhận ở mức cao nhất trong năm tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí nguyên liệu thô tăng.
Mặc dù chi phí trung bình cao hơn nhưng giá cả thành phẩm của các nhà sản xuất lại giảm trong tháng 9, với chỉ số giá cả đầu ra nằm dưới mức trung bình 50 điểm. Các thành viên tham gia khảo sát cho rằng giá bán thấp hơn là vì có áp lực cạnh tranh.
Ngoài ra, dữ liệu của tháng 9 cho thấy tồn kho hàng hóa sau sản xuất trong ngành sản xuất của Việt Nam đã không thay đổi so với tháng trước, trong khi tháng 8 lại có sự tăng nhẹ. Trong trường hợp người tham gia khảo sát báo cáo lượng hàng tồn kho tăng lên, lý do được cho là do doanh số bán thấp hơn so với dự kiến.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu này, bà Trinh Nguyen, Nhà kinh tế châu Á của HSBC cho rằng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm nhưng với kết quả gần 50 điểm, chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong quý IV. Với tỷ lệ lạm phát tăng đáng kể, như được thể hiện ở mức tăng giá cả đầu vào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ lãi suất ổn định cho đến hết năm.
"Sự ổn định của hoạt động sản xuất ở Việt Nam là một bước phát triển tích cực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thương mại toàn cầu đang đi xuống và môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn dễ bị tổn thương", bà Trinh Nguyen nói.
Chỉ số PMI ngành sản xuất là kết quả các cuộc khảo sát định kỳ của HSBC tại các thị trường. Tại Việt Nam, chỉ số này được xây dựng dựa trên dữ liệu phản hồi của 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất. Nhóm khảo sát được phân theo khu vực địa lý và theo Tiêu chuẩn Phân Ngành (SIC) dựa trên sự đóng góp của ngành vào GDP của Việt Nam.
Lệ Chi



-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét